Cái kết của cuộc chiến dài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân chuyến thăm Mỹ vừa rồi của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kudhimi, Mỹ và Iraq đã ký kết thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn hoạt động quân sự trực tiếp ở Iraq.
Mỹ nhất trí rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu tại Iraq về nước.
Mỹ nhất trí rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu tại Iraq về nước.

Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ rút hết khoảng 2.500 binh lính hiện tại còn đồn trú ra khỏi Iraq chậm nhất cho tới ngày 31/12 tới. Nhưng Mỹ vẫn duy trì một số lượng nhất định nhân viên đảm trách vai trò cố vấn quân sự cho Chính phủ Iraq và theo dõi diễn biến tình hình ở đây.

Đây là một trong những điểm khác biệt cơ bản nhất so với Afghanistan, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã quyết định rút hết binh lính Mỹ ra khỏi chậm nhất vào ngày 31/8 tới. Ở Afghanistan, Mỹ triệt thoái tất cả quân lính và không để cố vấn chính trị cũng như quân sự ở lại, trong khi ở Iraq thì Mỹ trên thực tế vẫn chưa phải rút hoàn toàn nhân viên người Mỹ. Cho nên hệ lụy của việc Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan và Iraq sẽ khác nhau đối với Mỹ, đối với chính hai nước này và hai khu vực xung quanh Afghanistan và Iraq.

Ông Biden chắc rồi sẽ được coi như đi vào lịch sử nước Mỹ với việc chấm dứt cho nước Mỹ 2 cuộc chiến tranh lâu dài nhất và tốn kém nhất mà nước này đã tiến hành ở bên ngoài nước Mỹ. Cả hai đều được Tổng thống Mỹ George W.Bush phát động sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Lý do được ông Bush đưa ra để biện minh là chính thể Taliban ở Afghanistan hậu thuẫn và dung túng mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada của Osama bin Laden tiến hành tấn công khủng bố nước Mỹ và chính quyền Iraq tàng trữ vũ khí huỷ diệt.

Quân đội Mỹ và đồng minh gây chiến đã lật đổ được thể chế của Taliban ở Afghanistan và của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq nhưng không tìm thấy bằng chứng gì về việc chính quyền Iraq có vũ khí huỷ diệt. Mỹ và đồng minh dựng nên được chính quyền mới ở hai nơi này.

Nhưng họ không tiêu diệt được Taliban ở Afghanistan và lực lượng Hồi giáo chính thống cực đoan dựng nên Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Vì thế, chiến sự dai dẳng ở Afghanistan cho đến nay. Vì thế, Mỹ trở thành mục tiêu tấn công của IS và nhiều tổ chức vũ trang Hồi giáo khác nữa ở Iraq và Syria.

Mỹ và đồng minh đã thắng hay thua trong cả hai cuộc chiến tranh này là câu hỏi được trả lời rất khác nhau tùy thuộc vào cách nhìn của từng bên. Ông Biden cho rằng Mỹ và đồng minh đã đạt được mục tiêu đề ra cho cuộc chiến tranh nên có thể rút quân lính về. Bên ngoài lại cho rằng Mỹ phải rút quân về bởi không thể thắng được cả hai cuộc chiến tranh này.

Ở Afghanistan, Mỹ thất bại nhiều hơn chiến thắng khi Taliban hiện đang thắng thế về quân sự và tuyên bố đã kiểm soát tới gần 90% lãnh thổ đất nước. Câu hỏi lớn hiện chưa thể được trả lời là rồi đây ở Afghanistan, Taliban trở lại cầm quyền hoặc tham gia nhiếp chính sẽ theo đuổi mưu tính nào đối với Mỹ và đồng minh. Mỹ không thể tránh khỏi khả năng bị mất cả chì lẫn chài ở Afghanistan.

Ở Iraq và khu vực Vùng Vịnh, Mỹ vẫn có thể thông qua Chính phủ Iraq tác động trực tiếp tới diễn biến tình hình chính trị an ninh, ổn định xã hội và tới cục diện quan hệ giữa các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp. Nhưng vai trò và ảnh hưởng của địch thủ đáng gờm nhất của Mỹ tại khu vực này là Iran sẽ tăng, mối quan hệ giữa Iraq và Iran sẽ có những chuyển biến theo hướng rất bất lợi cho Mỹ.

Không phải phía Mỹ không ý thức được và dự liệu được về những hệ lụy nói trên. Ông Biden vẫn quyết định chấm dứt hai cuộc chiến tranh này của nước Mỹ vì chấm dứt chúng sẽ có được tác động chính trị đối nội đáng kể hơn rất nhiều so với tác động của việc tiếp tục duy trì sự tham chiến trực tiếp của quân lính Mỹ ở hai nơi kia.

Dân Mỹ đã quá mệt mỏi và bất bình với hai cuộc chiến tranh này. Ông Biden biết rằng thoái lui càng sớm thì càng vớt vát được nhiều từ cuộc chiến tranh không thể thắng được ở cả hai nơi này.

Cũng có thể nói rằng ông Biden đã khép lại cái gọi là “Thời kỳ 11/9.2001” cho nước Mỹ. Ở Iraq và Afghanistan cũng như ở hai khu vực ấy rồi đây sẽ thế nào hiện chưa thể dự liệu được rõ, nhưng chắc chắn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ đối với Mỹ.