Người mới và “dớp” cũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga từ chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (đang cầm quyền), đảng này phải tiến hành bầu chọn Chủ tịch mới. Và vì Chủ tịch đảng cầm quyền đương nhiên là Thủ tướng nên ông Suga không còn là chủ tịch đảng LDP nữa thì cũng sẽ không còn tiếp tục làm Thủ tướng Nhật Bản.
Ông Fumio Kishida (phải) cùng Thủ tướng Yoshihide Suga sau cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng Dân chủ tự do ngày 29/9.
Ông Fumio Kishida (phải) cùng Thủ tướng Yoshihide Suga sau cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng Dân chủ tự do ngày 29/9.

Việc thay thế Chủ tịch đảng và Thủ tướng chính phủ được đảng LDP khẩn trương tiến hành vì ngày 28/11 tới sẽ có cuộc bầu cử Quốc hội định kỳ ở Nhật Bản và đảng LDP nỗ lực để bảo vệ được đa số hiện có hoặc giảm thiểu tối đa mức độ thua kém so với lần bầu cử quốc hội trước đấy.

Ông Suga làm Chủ tịch đảng LDP và Thủ tướng Nhật Bản có 1năm từ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe bất ngờ từ chức vì lý do sức khoẻ. Ở Nhật Bản người ta vẫn cho rằng có một cái “dớp” chính trị, đó là thời gian cầm quyền của các Thủ tướng thường rất ngắn. Từ khi mô hình tổ chức chính phủ như hiện tại đang có được áp dụng năm 1885 đến nay đã có 99 đời Thủ tướng và người mới sẽ là Thủ tướng thứ 100. Chỉ riêng trong 14 năm vừa qua thôi cũng đã có tới 17 Thủ tướng.

Cả thảy có 4 ứng cử viên nhảy vào cuộc ganh đua trở thành Chủ tịch mới của đảng LDP và Thủ tướng mới của Nhật Bản, 2 nữ và 2 nam: cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida (64 tuổi), Bộ trưởng chuyên trách về ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra Taro Kono (58 tuổi), bà Sanae Takaichi (60 tuổi) và bà Seiko Noda (61 tuổi).

Lần đầu tiên trong lịch sử đảng LDP có 2 nữ ứng cử viên ganh đua chức Chủ tịch đảng. Ông Kono được dân chúng ở Nhật Bản mến mộ hơn hẳn ông Kishida, nhưng lại bị đội ngũ lão làng trong đảng LDP coi là quá cấp tiến và thuộc lớp trẻ. Bà Takaichi trước đây được ông Abe gây dựng làm người kế nhiệm nhưng không thành và bị nhìn nhận là quá bảo thủ trong đảng, còn bà Noda thì ôn hoà hơn.

Cả hai tuy cũng có vị thế trong đảng LDP nhưng lại không nổi danh trong công chúng ở Nhật Bản vì thế không được coi là sự đảm bảo cho đảng LDP chắc chắn sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.

Cho nên ngay từ đầu, cuộc bầu chọn trong thực chất là cuộc đấu tay đôi giữa ông Kishida và ông Kono. Ở vòng thứ hai, ông Kishida giành về phần thắng với mức độ chênh lệch phiếu bầu rõ rệt so với ông Kono. Từ cương vị Chủ tịch đảng LDP, ông Kishida sắp tới sẽ trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.

Ông Kishida nhận được sự ủng hộ của bộ phận “cây đa cây đề” trong đảng LDP. Bộ phận này dùng ảnh hưởng riêng để giúp ông Kishida giành về phần thắng trước ông Kono vì bản thân ông Kishida chủ trương tiếp tục quan điểm, định hướng chính sách cầm quyền của ông Abe và ông Suga, cũng cởi mở và cấp tiến với cải cách chính trị, kinh tế và xã hội nhưng thận trọng chứ không thái quá như ông Kono. Đảng này chọn lựa ông Kishida vì muốn kiểm soát và kiềm chế ông Kishida khi người này cầm quyền chứ không để cho ông Kono trở thành thủ lĩnh đảng để rồi từ cương vị cầm quyền kiểm soát và công cụ hóa đảng.

Cho nên có thể thấy đảng LDP thay đổi nhân sự lãnh đạo và Nhật Bản sắp có Thủ tướng mới nhưng đường lối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Chính phủ mới về cơ bản sẽ không khác nhiều so với trước đấy. Ông Kishida vẫn phải dành ưu tiên cầm quyền hàng đầu cho việc ứng phó dịch bệnh và khôi phục tăng trưởng kinh tế, vẫn phải xử lý mối quan hệ đầy trắc trở của Nhật Bản với Trung Quốc và Triều Tiên vì Nhật Bản đã chính thức xác nhận mối đe dọa an ninh chính đến từ 2 quốc gia này. Ông Kushida rất thông thạo chính trị và ngoại giao thế giới nên thuận lợi và dễ dàng hơn hẳn ông Suga trong những chuyện chính trị đối ngoại và an ninh này.

Khó khăn nhất vẫn là việc ứng phó dịch bệnh và khôi phục tăng trưởng kinh tế cũng như gây dựng thời kỳ bình thường mới như thế nào ở Nhật Bản. Trên tất cả những phương diện ấy, vị Thủ tướng mới đều cần thành tựu cầm quyền cụ thể, thiết thực và thuyết phục, lại còn phải nhanh chóng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28/11 tới. Trong cuộc bầu cử này, chỉ cần đảng LDP thất cử hoặc mất đi nhiều phiếu bầu thì ông Kishida rất khó có thể thoát khỏi cái “dớp” chính trị cũ kia.