Hệ lụy của thời cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga là hệ lụy thời sự nhất của những diễn biến đã và đang tiếp tục diễn ra trong mối quan hệ giữa Belarus với Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga.
Thổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) trong một lần gặp gỡ.
Thổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) trong một lần gặp gỡ.

Nếu tiếp cận theo cách khác thì có thể nói rằng đấy là cái giá mới mà EU phải trả cho chính sách đối với cá nhân ông Lukashenko và chính quyền của người này từ sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi ở Belarus; cái giá mà Ukraine phải trả cho quan hệ căng thẳng và đối địch với Nga và cái giá mà chính ông Lukashenko phải trả khi phải nhờ cậy chủ yếu vào Nga, nếu như không muốn nói là cho việc chỉ còn có thể dựa vào Nga, trong thời cuộc hiện tại ở châu Âu.

EU gia tăng áp lực đối với ông Lukashenko, trừng phạt người này và cộng sự, lại còn không công nhận ông Lukashenko hiện là Tổng thống hợp hiến, hợp pháp ở Belarus. EU chủ trương gây khó khăn trên mọi phương diện nhằm buộc ông Lukashenko phải rời khỏi cương vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ Belarus. Chính sách này của EU đẩy ông Lukashenko về phía Nga, vào tình thế phải tranh thủ Nga và lệ thuộc vào sự trợ giúp về chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại và cả về quân sự lẫn an ninh.

Tuy Nga không đòi hỏi ông Lukashenko phải công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga. Nhưng công nhận như thế giúp ông Lukashenko vừa trả đũa EU, vừa chủ động tranh thủ Nga. EU không công nhận Crimea thuộc Nga và trừng phạt Nga rất nặng về việc đã tiếp nhận Crimea. Bây giờ, ông Lukashenko chủ động công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga.

Cho tới trước đấy, ông Lukashenko luôn chủ ý không thể hiện quan điểm gì về Crimea, tức là không công khai ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea. Mưu tính của người này ở đây là cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây để có được lợi nhiều nhất cũng như để xung phong đảm trách vai trò trung gian hoà giải giữa Nga và Ucraine. Bây giờ, sau khi công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga thì những mưu tính kia sẽ bị phá sản hoàn toàn. Cái giá này đâu có rẻ đối với ông Lukashenko và Belarus.

Ukraine từ nhiều năm nay rất căng thẳng và đối địch quyết liệt với Nga và vấn đề Crimea là một trong những tâm điểm xung khắc giữa Ucraine và Nga. Belarus cũng là nước láng giềng với Nga như Ukraine. Ukraine vì thế cũng phải trả giá đắt khi ông Lukashenko công nhận Crimea không thuộc về Ukraine mà thuộc về Nga. Cả ở trên phương diện này cũng bộc lộ cách tiếp cận của ông Lukashenko với việc công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga: Ukraine, giống như EU, càng bị đau đớn và cay đắng thì hiệu ứng của việc tranh thủ Nga càng cao và càng rõ đối với ông Lukashenko.

Vấn đề đã đặt ra cho EU, Ukraine, Nga và Belarus từ khi Nga tiếp nhận Crimea vào năm 2014, nhưng chuyện ông Lukashenko công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga bây giờ mới xảy ra. Nguyên do ở sự thay đổi của thời cuộc và sự thay đổi ấy kéo theo những tác động, hậu quả và hệ lụy mà trước đấy không ai ngờ tới.