Tương lai đầy bất định của Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyên do là Mỹ và đồng minh chưa hoàn tất việc rút hết binh lính ra khỏi quốc gia này thì Taliban đã tăng cường hoạt động quân sự, mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát và đe dọa sự tồn tại của chính quyền Afghanistan.
 Dân quân ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chống Taliban, tại tỉnh Herat, ngày 9/7/2021.
Dân quân ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chống Taliban, tại tỉnh Herat, ngày 9/7/2021.

Không phải tình hình chiến sự ở Syria hay Iraq hoặc Yemen nữa mà ở Afghanistan hiện căng thẳng hơn và khiến cho cả trong lẫn ngoài đất nước này quan ngại hơn cả. Nguyên do là Mỹ và đồng minh chưa hoàn tất việc rút hết binh lính ra khỏi quốc gia này thì Taliban đã tăng cường hoạt động quân sự, mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát và đe dọa sự tồn tại của chính quyền Afghanistan.

Tất cả lo ngại bởi tương lai của đất nước này đầy bất định khi Taliban không những chỉ trỗi dậy mạnh mẽ mà còn không giấu giếm tham vọng trở lại cầm quyền ở Afghanistan.

Quân đội chính phủ Afghanistan hiện không phải là đối thủ quân sự của Taliban. Theo Taliban, hiện tại đã có đến 85% lãnh thổ đất nước thuộc phạm vi quản lý trên thực tế của lực lượng này, thừa đủ để sau khi Mỹ và quân đội nước ngoài rút hết ra khỏi Afghanistan chiếm vai trò quyết định nhất trong việc giải quyết vấn đề quyền lực cả bằng khả năng dùng biện pháp quân sự lẫn thông qua giải pháp chính trị hòa bình.

Năm 2001, Tổng thống Mỹ khi ấy là George W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan với lý do chính thể Taliban khi ấy ở đất nước này dung túng và hậu thuẫn cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeade của Osama bin Laden. Ông Bush phất lá cờ chống khủng bố và đồng minh của Mỹ ở trong cũng như ngoài NATO lục tục tham chiến trực tiếp cũng như gián tiếp cùng Mỹ ở Afghanistan.

Sau 20 năm sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém nhất từ trước đến nay trong lịch sử, nước Mỹ lật đổ được chính thể của Taliban ở Afghanistan, tiêu diệt được Osama bin Laden và dựng nên được chính thể mới ở Afghanistan theo mô hình và tiêu chí nhà nước và dân chủ ở Afghanistan. Nhưng Mỹ và đồng minh không vô hiệu hoá được Taliban về quân sự và không làm cho chính thể mới ở Afghanistan vững mạnh về mọi phương diện đến mức có thể tự bảo vệ được an ninh và ổn định cho chính mình.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đưa ra hạn định cuối cùng cho việc hoàn tất chuyện rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan là ngày 31/8 tới. Người tiền nhiệm của ông Biden đã đưa ra quyết định rút quân nhưng không kịp thực hiện thì đã mãn nhiệm. Mỹ thoái lui thì các đồng minh của Mỹ ở trong và ngoài NATO triển khai quân đội ở Afghanistan không thể tiếp tục ở lại. Họ đã rút hết binh lính của họ ra khỏi Afghanistan trước khi Mỹ rút hết đi.

Afghanistan giờ trở thành sân chơi quyền lực riêng giữa Taliban và chính quyền. Taliban tận dụng triệt để khoảng trống quyền lực và an ninh hiện tại ở đất nước này. Một số đối tác bên ngoài như Trung Quốc, Nga, Pakistan hay Iran nhìn nhận ra cơ hội để gây dựng vai trò và ảnh hưởng ở Afghanistan trong thời gian tới, nhưng lại phải rất thận trọng bởi những bài học thất bại của Liên Xô và Mỹ cùng đồng minh ở đất nước này vẫn rất nhãn tiền, và bởi tất cả đều không thể hoàn toàn tin cậy Taliban trong khi lực lượng này sẽ đóng vai trò then chốt đối với tương lai của Afghanistan.

Tương lai ở nơi đây đầy bất định bới từ sau ngày 31/8 tới sẽ là cục diện tình hình và tương quan lực lượng hoàn toàn khác trước ở bên trong Afghanistan cũng như ở khu vực xung quanh đất nước này. Taliban bây giờ đang theo đuổi chiến lược kép là vừa tấn công quân sự để mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát vừa làm những phép thử khác nhau để dò biết liệu Mỹ và đồng minh có rút hết binh lính đi hay không và liệu rồi đây có lại can thiệp quân sự vào Afghanistan hay không.

Sau ngày 31/8 tới, diễn biến tiếp theo thế nào ở Afghanistan sẽ bộc lộ rõ nét hơn. Nếu Mỹ và đồng minh rút đi hết thì Taliban chắc chắn sẽ tìm mọi cách để buộc phía chính quyền Afghanistan phải bước vào cuộc chơi về quân sự cũng như chính trị do Taliban định ra luật chơi và dẫn dắt.

Đất nước này sẽ còn bất an và bất ổn chính trị và xã hội nghiêm trọng thêm thời gian dài nữa với tác động tiêu cực tới tình hình chính trị an ninh ở cả khu vực Nam Á và Trung Á. Tất cả các nước láng giềng của Afghanistan sẽ không thể tránh khỏi lo ngại sâu sắc thời gian dài và sẽ phải quyết định ganh đua ảnh hưởng lẫn nhau ở Afghanistan hay liên thủ với nhau để tăng thế và thêm uy đối với Taliban nhằm không để cho Taliban muốn làm gì thì làm như khi xưa.