Luật riêng “khiêu chiến” luật chung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong lịch sử ra đời và phát triển trải qua nhiều thập kỷ đến nay, chưa khi nào Liên minh châu Âu (EU) lâm vào tình cảnh khó xử về pháp lý nội bộ như hiện tại.
Phán quyết mới đây của Tòa án Hiến pháp Ba Lan khiến cả EU và các đối tác bên ngoài EU ngỡ ngàng...
Phán quyết mới đây của Tòa án Hiến pháp Ba Lan khiến cả EU và các đối tác bên ngoài EU ngỡ ngàng...

Với phán quyết mới đây nhất cho rằng luật pháp chung của EU có phần không tương thích với luật pháp quốc gia, Tòa án Hiến pháp ở Ba Lan đã biến nước này trở thành trường hợp đầu tiên trong lịch sử EU công khai tuyên chiến pháp lý với cả liên minh.

Phán quyết nói trên của Tòa án Hiến pháp Ba Lan khiến không chỉ có EU mà cả không ít đối tác bên ngoài EU ngỡ ngàng bởi như thế đồng nghĩa với việc Ba Lan hành xử trái ngược với cam kết khi gia nhập EU. Nhiều năm trước, Ba Lan tự nguyện xin được đứng trong hàng ngũ các thành viên của EU chứ không bị ai ép buộc. Để được gia nhập EU, Ba Lan giống như mọi thành viên khác đều phải chấp nhận và cam kết tuân thủ luật pháp và quy định chung của EU, đúng như tinh thần và câu chữ của câu ngạn ngữ “nhập gia phải tuỳ tục”, tức là phải chấp nhận và cam kết đặt luật pháp quốc gia xuống dưới luật pháp chung của EU.

Hệ lụy trực tiếp của điều kiện bắt buộc này là Ba Lan cũng như mọi thành viên khác phải tương thích hóa luật pháp quốc gia hiện hành với luật pháp chung của EU và khi xây dựng luật mới phải để ý và đảm bảo không trái ngược, mâu thuẫn hay xung khắc với luật pháp chung của EU. Trong hệ thống luật pháp chung của EU có những quy định và cơ chế cụ thể nhằm đảm bảo việc các thành viên phải tuân thủ và thực hiện luật pháp chung của EU.

Phía Ba Lan bây giờ không những chỉ công khai bất chấp luật pháp và quy định chung của EU mà còn hợp pháp hoá sự bất chấp ấy bằng phán quyết của toà án cấp cao nhất của đất nước. Chủ ý công khai đối đầu về chính trị và pháp lý ở đây rất rõ ràng và cụ thể. Ở tất cả các nước thành viên EU, kể cả ở Anh là thành viên đã ra khỏi EU, việc thành viên bất chấp hay khiêu chiến với liên minh trong nhận thức ngay từ đầu là rồi sẽ chỉ có thể thua chứ không thể thắng đều có động cơ và mục đích là chính trị đối nội, cụ thể là dùng chiêu bài chống EU và cản trở hội nhập vào châu Âu để tranh thủ những lực lượng và phong trào dân tộc chủ nghĩa, thậm chí còn cả chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chuyện hiện tại giữa EU và Ba Lan không phải là trường hợp ngoại lệ.

Thành viên dám bất chấp lời thề xưa để thách thức liên minh khiến cho liên minh bẽ bàng khi “phép vua thua lệ làng” có nguyên nhân sâu xa ở chỗ Ba Lan có thể bị EU trừng phạt, nhưng EU không thể trục xuất Ba Lan ra khỏi liên minh. Hình phạt cao nhất và nghiêm khắc nhất của EU đối với thành viên là truất quyền biểu quyết của thành viên trong liên minh.

Nhưng để kích hoạt mức độ trừng phạt này thì EU cần sự chấp thuận của tất cả các thành viên còn lại. Trong EU hiện tại, Hungary kiên quyết ủng hộ Ba Lan và sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết của thành viên để làm phá sản chủ ý của EU truất quyền biểu quyết của Ba Lan.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) có thể ngừng giải ngân mọi nguồn tài chính từ ngân quỹ chung của EU đã cam kết cho Ba Lan, trước mắt là 36 tỷ euro. Số tiền này không hề nhỏ đối với Ba Lan mà hiện trên thế giới chưa thấy có đồng minh hay đối tác nào khác sẵn sàng bù lấp cho Ba Lan. Cho nên sớm muộn thì rồi Ba Lan cũng sẽ phải chấm dứt vở kịch làm mình làm mẩy về pháp lý và tư pháp với EU.

Luật pháp chung bị luật pháp riêng bất chấp và thách thức như vậy có nguyên do thật sự sâu xa ở ngay trong hệ thống luật pháp hiện hành của EU. Liên minh này tự tạo ra điểm yếu để cho thành viên lợi dụng biến chính EU thành con tin. EU để cho luật pháp hiện hành không chặt chẽ nên thành viên mới có thể công khai lách luật như thế.