Số phận bất hạnh của các thành viên trong gia tộc Bhutto từng lừng lẫy chính trường Pakistan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là gia tộc giàu có, thống trị chính trường Pakistan trong suốt nhiều năm nhưng số phận của nhiều thành viên trong gia tộc Bhutto vô cùng thảm thương. Minh chứng ở đây là bà Benazir Bhutto.
Bà Benazi Bhutto.
Bà Benazi Bhutto.

Số mệnh làm lãnh đạo

Bà Benazir Bhutto sinh năm 1953 trong một gia đình giàu có mà đất đai nhiều đến mức phải mất nhiều ngày để định giá. Về khía cạnh chính trị, gia tộc Bhutto của bà ở Pakistan cũng nổi tiếng như gia đình Nehru-Gandhi ở Ấn Độ, là một trong những “triều đại” nổi tiếng nhất trên thế giới.

Ở một đất nước mà các gia tộc thống lĩnh hoạt động kinh tế và chính trị như phong kiến lúc bấy giờ, những thành viên trong gia tộc Bhutto dường như có số làm lãnh đạo. Ông nội của bà từng là lãnh đạo của đảng Liên minh Hồi giáo Pakistan. Cha của bà là ông Zulfikar Ali Bhutto chính là người sáng lập đảng Nhân dân Pakistan (PPP), giữ chức Tổng thống Pakistan từ năm 1971 đến năm 1973 rồi làm Thủ tướng Pakistan từ năm 1973 tới năm 1977.

Sinh ra trong ra trong một gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa như vậy nên cũng dễ hiểu khi bà Benazir được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất. Bản thân bà cũng thể hiện mình là một nhân vật xuất sắc, xứng tầm gia đình: năm 15 tuổi, bà tốt nghiệp trung học. Năm 20 tuổi, bà lấy được bằng cử nhân chuyên ngành Chính trị của trường Đại học Harvard danh tiếng. Về sau, bà có thêm 2 bằng đại học của Đại học Oxford của Anh.

Khi còn đi học, bà luôn được đánh giá là một sinh viên giỏi và đặc biệt xuất sắc ở khoản thuyết trình. Trong thời gian theo học ở nước ngoài, bà Benazir quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Có thông tin cho biết chính bà là người đã giới thiệu cựu Thủ tướng Anh Theresa May với ông Philip May để 2 người nên duyên vợ chồng.

Khi còn ít tuổi, bà Benazir không mấy quan tâm đến chính trị. Tuy nhiên, đến khi cha của bà bị Tướng Zia uk-Haq lật đổ và bị hành quyết vào năm 1979, bà đã quyết định bước ra khỏi cái bóng của cha, tiếp tục sứ mệnh chính trị mà ông để lại. Dù nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những người từng ủng hộ cha nhưng con đường chính trị của bà Benazir cũng không hề dễ dàng.

Bà Bhutto bị ám sát trong cuộc tuần tra năm 2007.

Bà Bhutto bị ám sát trong cuộc tuần tra năm 2007.

Nữ Thủ tướng đầu tiên

Trước khi cha bị hành hình, bà Benazir đã bị quân đội Pakistan bắt giữ và đã phải ngồi tù trong suốt gần 5 năm. Năm 1984, lợi dụng cơ hội được phép qua Anh chữa bệnh, bà đã quyết định sống lưu vong ở đây và thành lập văn phòng PPP tại London, bắt đầu chiến dịch chống Tướng Zia từ nước ngoài. Đến năm 1986, với sự ủng hộ của đông đảo của những người từng theo cha bà, Benazir về nước, tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo PPP. Bước ngoặt trong cuộc đời bà diễn ra vào năm 1988, khi Tướng Zia thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay.

Với sự ủng hộ của đông đảo của người dân, bao gồm những người trung thành với cha bà, tại cuộc bầu cử diễn ra tháng 11/1988, bà Benazir đã đắc cử Thủ tướng Pakistan. Ở tuổi 35, bà trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này, cũng là nữ thủ tướng đầu tiên tại một nước Hồi giáo.

Khi mới được bầu lên, bà cũng được đánh giá là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Chiến thắng của bà càng có ý nghĩa hơn khi nó diễn ra chỉ vài năm sau khi Pakistan thông qua luật giảm sức nặng pháp lý của lời khai của phụ nữ tại tòa án xuống chỉ còn bằng một nửa so với đàn ông.

Không chỉ đắc cử Thủ tướng 1 lần, bà Benazir còn được bầu làm nguyên thủ của Pakistan đến hai lần. Song, cả hai lần bà đều không thể hoàn thành hết nhiệm kỳ. Năm 1990, khi chưa làm được hết nửa nhiệm kỳ, bà bị Tổng thống Ghulam Ishaq Khan bãi nhiệm. Sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, năm 1996, bà lại tiếp tục bị Tổng thống Farooq Leghari phế truất vì các cáo buộc tham nhũng và không đủ năng lực quản trị.

Được đánh giá là người có tầm nhìn xa nhưng trong suốt hai nhiệm kỳ, bà không làm được nhiều cho đất nước. Theo những người ủng hộ bà, nguyên nhân là do bà phải bận rộn đấu tranh chống lại những âm mưu cũng như cáo buộc chống lại mình.

Thêm vào đó, những ý tưởng của bà cũng được cho là không phù hợp với bộ máy hành chính trì trệ, hoạt động không hiệu quả sau hàng thập kỷ do quân đội cầm quyền của Pakistan thời đó. Những ý tưởng cải thiện quan hệ với Ấn Độ hay chương trình nghị sự kinh tế đầy tham vọng của bà cũng đã không thể trở thành hiện thực do sự phản đối của quân đội và cả phe đối lập.

Sau lần thứ hai bị bãi nhiệm, bà Benazir và chồng là ông Asif Ali Zardari còn phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng. Những rắc rối này đã khiến ông Zardari dù chưa từng bị kết án nhưng vẫn phải ngồi tù trong gần 8 năm còn bà Benazir phải cùng ba con ra nước ngoài sống lưu vong.

Mặc dù vậy nhưng bà Benazir vẫn được nhìn nhận là người truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác trên thế giới vì sự thông minh, quyến rũ, sự thông minh và cả sự kiên định không lùi bước trước những người phản đối của bà. Bà cũng trở thành người khuyến khích và động viên để những phụ nữ bị gạt ra lề có thêm động lực đấu tranh.

Lời nguyền chính trị?

Nói đến gia tộc Bhutto không thể không nói đến thứ được coi là “lời nguyền chính trị” ứng vào gia đình này. Là Thủ tướng dân cử đầu tiên, được dân quý mến nhưng ông Zulfikar chỉ tại vị được vài năm rồi bị lật đổ và thậm chí còn bị xử tử. Sau khi chính phủ của ông Zulfikar thất thế, một người em trai của bà Benazir là ông Shahnawaz đã rất tích cực hoạt động chính trị với mong muốn kéo dài di sản của cha. Tuy nhiên, vào năm 1985, ông này được phát hiện đã tử vong tại nhà riêng ở Pháp.

Một người em trai khác của bà Benazir là ông Murtaza, từng được coi là sẽ nắm quyền lãnh đạo PPP, cũng đã bỏ chạy sang Afghanistan với hy vọng đẩy mạnh phong trào đấu tranh từ nước ngoài. Từ đây, ông này đã điều hành chiến dịch chống lại chính phủ quân sự Pakistan cho đến khi về nước vào năm 1993. Về nước được 3 năm, ông Murtaza đã bị bắn chết một cách đầy bí ẩn.

Bà Benazir chính là người kế tiếp trong chuỗi những bất hạnh mà gia đình phải chịu đựng. Năm 2007, Thủ tướng Pakistan khi đó là ông Pervez Musharraf dưới áp lực từ những người ủng hộ bà Benazir trong Chính phủ Mỹ đã quyết định ân xá cho bà Bhutto cùng nhiều chính trị gia khác.

Ngày 18/10/2007, bất chấp những đe dọa ám sát từ các chiến binh Hồi giáo, bà quyết định về nước với ý định tham gia cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2008. Cuộc trở về của bà không mấy suôn sẻ và trở thành một sự kiện đẫm máu khi những phần tử cực đoan tiến hành đánh bom ở Karachi, khiến 149 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 450 người khác.

Thoát chết ở sự kiện trên nhưng may mắn đã không mỉm cười với bà Benazir 2 tháng sau đó. Chiều 27/12/2007, bà có bài phát biểu tại một cuộc tuần hành của PPP được tổ chức ở thành phố Rawalpindi. Sau khi kết thúc bài phát biểu, bà lên một chiếc xe chống đạn và rời đi. Trên đường đi, để có thể giao lưu với những người ủng hộ, bà đã quyết định mở nóc xe và đứng lên để vẫy tay chào những người ven đường. Trong quá trình này, một người đàn ông đã nã 3 phát đạn vào bà Bhutto từ cự ly gần rồi kích hoạt khối thuốc nổ mà hắn mang theo, khiến nữ Thủ tướng hai nhiệm kỳ của Pakistan tử vong, tạm thời khép lại ánh hào quang rực rỡ của gia tộc Bhutto.