Oan gia từ một cái tát
Vụ việc hy hữu xảy ra tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vào giữa tháng 6/2008 khi gia đình chị P.T.L. sinh năm 1974, thường trú phường Tân Thịnh tiến hành sửa chữa lại nhà. Người thợ xây than phiền với chị L. về việc dụng cụ xây nhà bị mất một cách kỳ quặc. Trong lúc chị L. đi tìm mua dụng cụ khác, người thợ xây này phát hiện thấy cháu T.M.T. học lớp 7 ở gần nhà chị L. có mang theo một túi ni lông trong giỏ xe. Nghi ngờ, anh này bèn gọi cháu T. dừng lại và phát hiện ra các dụng cụ của mình đang được T. cầm đi.
Sau đó, anh này đã kể lại cho chị L. hay. Chị L. gặp riêng cháu T. yêu cầu cháu viết bản kiểm điểm có chữ ký của mẹ gửi chị L. kèm theo lời dặn: “Cháu phải viết bản kiểm điểm để không được tái phạm. Nếu cháu tái phạm, cô sẽ đưa ra nhà trường về việc làm không tốt của cháu!”. Sau đó, cháu T. đã nhờ em con dì là cháu P.B.T. sinh năm 1993, lúc đó đang học lớp 10 viết bản kiểm điểm thay và ký tên mẹ của T. dưới bản kiểm điểm đó.
Nhận ra bản kiểm điểm này không do T. viết, chị L. sang nhà gặp cháu T. yêu cầu viết lại. Lúc này, cháu P.B.T. cũng đang ở đó chơi. Nghe câu chuyện của chị L. với cháu T., cháu P.B.T. đã có thái độ hỗn xược với chị L. Sau khi đã nhắc nhở nhưng cháu P.B.T. không thay đổi thái độ, chị L. đã tát cháu P.B.T. một cái.
Sau cái tát đó, cháu P.B.T. đã khóc lóc gọi bố mẹ mình ở xã Trung Sơn cách đó vài cây số đến. Bố mẹ cháu T. cho rằng chị L. đã “xâm hại đến con gái mình” và tố cáo hành vi của chị L. ra công an phường Tân Thịnh. Một ngày sau, gia đình cháu P.B.T. đưa con đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và yêu cầu giám định pháp y.
Ngày 16/6/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y đối với cháu P.B.T. Ngày 18/7/2008, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự có kết luận giám định số 1445/C21/P7, theo đó cháu P.B.T. bị tổn hại 21% sức khỏe!
Từ kết luận này, ngày 16/8/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án. Chị L. bị cơ quan điều tra triệu tập để phục vụ công tác điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Chị bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra.
Thời điểm này, chồng chị L. đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Vừa lo chăm sóc bệnh tình của chồng, vừa phải ra cơ quan công an theo lệnh triệu tập, một thời gian dài chị L. phải xuôi ngược Hà Nội - Hòa Bình, Hòa Bình - Hà Nội.
Đi tìm sự thật
Sau một thời gian điều trị, do căn bệnh ung thư xương giai đoạn cuối, chồng chị L. qua đời. Đau khổ và chán chường, lại thêm “án oan” treo trên đầu, chị L. tưởng như đã tuyệt vọng. Nhưng, thấy quá vô lý trước kết quả giám định tổn hại sức khỏe 21% chỉ vì một cái tát trong lúc nóng giận, chị đã quyết tâm phải theo đuổi để tự minh oan cho bản thân đến cùng.
Một trong những lý do khiến chị L. quyết tâm minh oan vì theo chị được biết, trước khi có kết luận giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, gia đình cháu P.B.T. đã cung cấp cho cơ quan điều tra kết quả điện não ngày 13/6/2008 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, do bác sỹ Đinh Văn Bến điều trị; Kết quả chụp X-quang ngày 14/6/2008…
Theo kết quả này thì cháu P.B.T. bị ảnh hưởng thần kinh nghiêm trọng sau cái tát. Trong khi đó, thời gian này, trường nơi cháu P.B.T. học đang tổ chức thi học kỳ, và cháu P.B.T. vẫn tham dự đầy đủ và kết quả thi khá cao. Những thông tin này đã được Ban giám hiệu nhà trường xác nhận.
|
Hoạt động nghiệp vụ giám định pháp y (ảnh minh họa). |
Thấy vô lý, chị L. đã viết đơn đề nghị Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xác nhận tính chính xác của kết quả điện não nói trên. Ngày 13/11/2008, Văn bản số 881/BB-BVT của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khẳng định: Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không có cán bộ nào có tên Đinh Văn Bến; ngày 13 – 14/6/2008, Khoa khám bệnh, khoa Chấn thương hình ảnh bệnh viện tỉnh không tiếp nhận hay khám bệnh cho bệnh nhân nào có tên P.B.T...
Giấy chứng thương sau ngày diễn ra vụ việc của Trung tâm Pháp y tỉnh Hòa Bình xác nhận mặt ngoài khuỷu tay phải của cháu T. có vết sây xát da kích thước 0,6x0,2 cm. Vùng đầu, mặt, ngực, lưng, thắt lưng, cánh tay phải và các bộ phận khác không thấy dấu vết thương tích…
Bức xúc, chị L. viết đơn thư kêu cứu gửi đi nhiều nơi và các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp.
Kết hợp một loạt hồ sơ, biên bản giám định thấy có nhiều điểm chênh lệch quá lớn, cơ quan CSĐT Công an thành phố Hòa Bình đã buộc phải đình chỉ điều tra. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc, đã trưng cầu Viện Pháp y Quốc gia giám định trên hồ sơ, tiếp đó Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Hội đồng giám định. Ngày 03/08/2010 cháu P.B.T. đã được giám định lại thương tích tại Viện Pháp y quốc gia với kết luận mức độ tổn hại sức khỏe là 0%.
Ranh giới mơ hồ
Đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh người phụ nữ hốc hác gầy mòn vì căng thẳng chăm sóc chồng bên giường bệnh, vừa bón cháo cho chồng, vừa lật mở Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Hình sự tìm hiểu trường hợp của mình khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Người chồng đã đau đớn khổ sở vì căn bệnh quái ác dày vò lại nghe tin vợ sắp bị bắt đã làm anh choáng váng, đau đớn thêm. Trong cơn đau tuyệt vọng anh từng gào lên với những suy nghĩ vô cùng tiêu cực. Và có lẽ, chính bởi điều đó mà khiến tình trạng của người chồng ngày càng tệ hại, nó đã rút ngắn thời gian tồn tại của anh…
Còn chị L. trong thời điểm chị mất đi trụ cột gia đình, bị cơ quan công an điều tra, cơ quan đình chỉ sinh hoạt Đảng, đã có lúc chị hoảng loạn tinh thần nghĩ quẩn đến cái chết nếu bị bắt. Và bi kịch thật sự có lẽ sẽ xảy ra nếu như không có kết quả giám định lại.
Còn với các giám định viên pháp y, câu chuyện về “người đàn bà có cái tát mạnh nhất Việt Nam” được nhớ mãi. Họ kể lại cho các đồng nghiệp nghe trong những buổi trò chuyện về nghề, buổi giảng bài về chuyên môn. Để nhắc nhở với nhau một điều rằng, trên con đường đi tìm công lý, ranh giới giữa tội phạm và không phạm tội đôi khi lại rất mơ hồ…
Cũng vì cái tát, cả nhà bị kết án
Năm 2012, tại tỉnh L.Đ xảy ra vụ án cũng liên quan đến cái tát. Sau khi nghe thông tin bà T. nói vợ mình “ngủ với người cùng thôn”, ông T.V.C. đã mời bà T. qua nhà nói chuyện và trong lúc lời qua tiếng lại, gia đình ông T.V.C. đã tát bà T. mấy cái.
Sau khi trình báo công an, theo giám định, bà T. bị thương tật 4%. Cơ quan Công an huyện ra quyết định xử phạt hành chính gia đình ông T.V.C. về hành vi đánh người nhưng không tống đạt. Sau đó gần 3 năm, cơ quan công an ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, sau đó ra quyết định khởi tố gia đình ông T.V.C. về tội cố ý gây thương tích. Viện Kiểm sát huyện ra cáo trạng truy tố cả nhà ông T.V.C. về tội này. Sau đó TAND huyện đưa vụ án ra xử sơ thẩm, phạt ông C. và con trai mỗi người sáu tháng tù treo, người vợ và con gái mỗi người sáu tháng cải tạo không giam giữ, buộc bốn bị cáo liên đới bồi thường cho bà T. Gia đình ông Chân kháng cáo kêu oan.
Bình luận về vụ việc này, các luật sư đều cho rằng các bị cáo bị oan vì bà T. bị thương tật 4% nên chỉ có thể xử lý hình sự gia đình ông T.V.C. khi có đủ hai điều kiện: bản thân bà T. hoàn toàn không có khả năng tự vệ và có yêu cầu khởi tố (theo BLTTHS tại thời điểm đó). Về tình tiết không có khả năng tự vệ, theo sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao, “người ở trong tình trạng không tự vệ được” là người trong tình trạng không có hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; bị bệnh tật; đang ngủ say, đang ở trong tình thế không chống đỡ được, không thể tự bảo vệ mình...
Trong vụ án, bà T. đang ở độ tuổi trung niên, sức khỏe bình thường, sự việc xảy ra giữa ban ngày, không bị đe dọa uy hiếp đến mức tê liệt ý chí. Do đó, các cơ quan tố tụng áp dụng quy định phạm tội đối với “người khác không có khả năng tự vệ” để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gia đình ông T.V.C. là hoàn toàn không thuyết phục.
Theo quan điểm của nhiều luật sư, gia đình ông T.V.C không phạm tội. Với thương tật 4% cho nạn nhân, hành vi của họ chỉ đáng bị xử phạt hành chính.