Để màn kịch thêm hoàn hảo, Thủy kéo đến nhà nạn nhân một chiếc va li và nói bên trong chứa 15 tỉ nhưng thực chất chỉ là quần áo cũ cùng giấy lộn.
Màn kịch lừa đảo không tưởng
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1976), trú xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước khi bị bắt và đưa ra xét xử, Thủy được biết đến là người xem bói, thường cúng dường vào nhiều ngôi chùa. Thế nên, thông tin Thủy bị bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến gần 5,5 tỉ đồng khiến nhiều người bất ngờ. Dư luận càng ngỡ ngàng hơn trước chiêu thức lừa đảo của người đàn bà này.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy và nạn nhân trong vụ án - bà Bùi Thị Hiền (trú xã Nhân Thành, Yên Thành) có quen biết nhau. Biết bà Hiền làm nghề thầy cúng, mê tâm linh, có xây điện thờ mẫu trong nhà nên Thủy nảy sinh ý định lừa đảo.
Thủy nói với bà Hiền chuyện mình được một cặp vợ chồng ở TP Hồ Chí Minh để lại cho một khối tài sản khổng lồ gồm: 189 tỉ đồng, 5 xế hộp siêu vip, 15 xe máy xịn, 30 điện thoại đắt tiền và 15 chỉ vàng. Do vợ chồng này đã qua đời nên một người họ hàng ở Mỹ sẽ đứng ra làm thủ tục thừa kế cho Thủy. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục đang bị trục trặc nên cần một khoản tiền khá lớn để giải quyết.
Thủy tỉ tê với bà Hiền rằng, nếu đưa tiền cho mình để giải quyết nhanh vụ nhận thừa kế này thì Thủy sẽ chia cho 79 tỉ đồng và nhiều tài sản khác như ô tô, xe máy. Là người tin vào tâm linh và có điều kiện kinh tế nên bà Hiền đã nhiều lần đưa cho Thủy tổng số tiền 742 triệu đồng.
|
Quá trình dùng các thủ đoạn để lừa bạn, biết em trai bà Hiền giàu có và cũng là người tin vào tâm linh nên Thủy tiếp tục nhắm tới “con mồi” này. “Bổn cũ soạn lại”, Thủy dùng chiêu bài trước đó để lừa đảo người sau. Người đàn bà này hứa sẽ chia cho em trai bà Hiền tài sản thừa kế gồm 57 tỉ đồng, nhiều ô tô, xe máy, vàng. Anh này tin tưởng nên cũng đã nhiều lần chuyển tiền cho Thủy.
Để củng cố thêm niềm tin cho chị em bà Hiền, Nguyễn Thị Thủy có đưa đến và để lại nhà bà Hiền một chiếc va li và nói: “Trong chiếc va li này có 15 tỉ là một phần trong khối tài sản thừa kế mà tôi nhận được. Tuy nhiên, chưa thể mở ra được vì phải cúng bề trên. Nếu mở ra sẽ gặp chuyện không lành”.
Câu chuyện về chiếc va li chứa 15 tỉ đồng tiền thừa kế được bà Hiền kể lại cho em trai càng khiến cậu em tin tưởng. Người đàn ông này đã dốc hết tài sản của mình để đưa cho Thủy với tham vọng nhận được thừa kế của người ngoại quốc. Anh này còn u mê đến mức, khi bản thân đã hết tiền thì đi vay mượn từ nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp.
Màn kịch của “siêu lừa” Nguyễn Thị Thủy chỉ bị hạ màn khi một trong những người cho em trai bà Hiền vay tiền nghi ngờ nên trình báo công an. Từ đơn trình báo của người dân, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ: Từ đầu năm 2019 đến giữa năm 2021, Nguyễn Thị Thủy đã lừa đảo, chiếm đoạt nhiều bị hại số tiền gần 5,5 tỉ đồng. Trong đó, lừa của bà Hiền 742 triệu đồng, em trai bà Hiền gần 4,9 tỉ đồng.
Đồng thời, bí mật trong chiếc va li chứa 15 tỉ đồng mà Thủy để trong nhà bà Hiền cũng được hé lộ. Theo đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì trong chiếc va li chỉ toàn quần áo cũ và giấy lộn.
Nạn nhân có phần lỗi vì lòng tham
Suốt quá trình xét xử, bị cáo Thủy khóc lóc sướt mướt. Thủy khai vì nợ nần, cần tiền tiêu xài nên đã nghĩ ra màn kịch lừa đảo để lấy tiền của nhiều người. Bị cáo nhắm tới những người tin vào tâm linh và giàu có để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước câu hỏi của tòa về việc sử dụng số tiền đã chiếm đoạt được, Thủy không nói rõ mà trả lời chung chung là “đã tiêu xài cá nhân hết”. Chồng của bị cáo đến tham dự tòa trình bày không biết hành vi lừa đảo của vợ mình. Người này cũng cho hay không sử dụng số tiền mà vợ mình có được từ việc lừa đảo. Các bị hại tham dự phiên tòa trình bày vì tin tưởng lời Thủy nên đã hàng trăm lần chuyển tiền cho người đàn bà này.
Trước sự tin tưởng một cách khó hiểu của các nạn nhân, một vị hội thẩm đã hỏi các bị hại: “Người đời thường nói “Không có bữa ăn nào là miễn phí” hay “Miếng pho mát miễn phí duy nhất chỉ nằm ở trên cái bẫy chuột”, tại sao các bị hại đưa hàng tỉ đồng mà không có ràng buộc hay viết giấy tờ gì với Thủy... Liệu có uẩn khúc hay còn lý do sâu xa nào khác trong vụ việc này hay không?”.
Trước câu hỏi đó, các bị hại cho rằng vì tin tưởng Thủy, tin vào tài sản thừa kế nên đã nhiều lần chuyển tiền cho bị cáo chứ không có mục đích khác.
Tòa cho rằng, trong vụ án này việc bị cáo lừa đảo là sai nhưng các bị hại cũng có một phần lỗi vì lòng tham của mình. Đó cũng là bài học cho nhiều người khác.
Về phần dân sự, các bị hại cho hay, trước khi phiên tòa diễn ra, người nhà bị cáo Thủy đã mang đến trả đủ số tiền hơn 5,5 tỉ đồng. Các bị hại đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện VKS tỉnh Nghệ An tham gia phiên tòa nêu quan điểm: Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thủy phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo đã không chịu lao động, làm ăn chân chính mà thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người. Bị cáo phạm tội nhiều lần nên cần xử lý nghiêm.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Thủy là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt của người khác số tiền lớn nên cần xử lý nghiêm để có tính răn đe và phòng ngừa chung. Cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thủy 19 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mức án đã được tuyên cho kẻ lừa đảo nhưng vụ án là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người cần thận trọng hơn trong các mối quan hệ, nhất là những vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài sản. Và như lời một vị hội thẩm đã nói trong phiên tòa “miếng pho mát miễn phí duy nhất chỉ nằm ở trên cái bẫy chuột”.