Bỏ chung, chọn riêng

(PLVN) - Ngày 4/11 vừa qua, Mỹ đã thông báo chính thức cho Liên hợp quốc về quyết định không còn tham gia Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất.
Bỏ chung, chọn riêng

Hiệp ước này được 184 trong tổng số 193 quốc gia thành viên của LHQ tham gia ký kết với mục tiêu giảm mức độ gia tăng nhiệt độ của trái đất xuống còn 1,5 độ C cho tới năm 2050. Cụ thể ở trong đó là các bên tham gia cam kết giảm khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Loại khí thải này khiến nhiệt độ trái đất gia tăng và gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu trên trái đất. Quyết định này của Mỹ bị các nước trên thế giới phê phán và phản đối mạnh mẽ bởi Mỹ là quốc gia sản xuất ra khối lượng lớn nhất khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệp ước này của LHQ được coi là bước tiến rất quan trọng trong nỗ lực chung của các nước trên thế giới cùng nhau hành động để bảo vệ khí hậu trái đất. Định hướng được xác định ra rõ ràng và cụ thể từ khá lâu nay rồi là phải cắt giảm đáng kể khối lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính trên trái đất, mỗi quốc gia tự xác định mục tiêu và cam kết riêng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Nghe thì đơn giản vậy nhưng việc thực hiện cụ thể thì lại rất phức tạp và tốn kém, lại còn đòi hỏi các quốc gia phải kiên định ý chí quyết tâm về chính trị, trách nhiệm đối với cả thế giới và có chiến lược lâu dài, đặc biệt về sử dụng năng lượng và cải cách kinh tế.

Động thái mới kia của Mỹ không gây bất ngờ. Mỹ tham gia đàm phán và ký kết hiệp ước này thời Tổng thống Mỹ là Barack Obama, tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ hiện tại là Donald Trump. Ngay từ khi còn vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ năm 2016, ông Trump đã phê phán mạnh mẽ hiệp ước này cũng như mọi thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm. Ông Trump nhiều lần khẳng định cam kết là nếu đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước ấy.

Ông Trump cho rằng việc thực hiện những cam kết trong hiệp ước chỉ gây tổn hại nặng nề cho nước Mỹ. Người này thậm chí còn phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất. Không bao lâu sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, ông Trump đưa ra quyết định rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước ấy.

Theo quy định chung của hiệp ước này, trong thời gian 3 năm đầu tiên, các bên đã tham gia không được rút khỏi hiệp ước và việc ra khỏi hiệp ước chỉ có hiệu lực trên thực tế 1 năm sau khi LHQ được thông báo chính thức.

Ông Trump đã và đang thực hiện đúng lộ trình này. Vì thế, nước Mỹ sẽ chính thức ra khỏi hiệp ước này từ ngày 4/11/2020. Vào thời điểm ấy, ông Trump vẫn còn cầm quyền ở Mỹ và nếu người này tái đắc cử tổng thống thì khả năng nước Mỹ tham gia trở lại hiệp ước rất mờ mịt.

Không còn sự tham gia của Mỹ, các nước trên thế giới vẫn phải tiếp tục nỗ lực bảo vệ khí hậu trái đất mà một trong những việc phải làm là thực hiện Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất. Sự nghiệp và sứ mệnh này sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhưng nhân loại trên thế giới không có sự lựa chọn nào khác.

Ông Trump từ bỏ cuộc chơi chung với thế giới bên ngoài để lựa chọn cuộc chơi riêng và lối chơi riêng bởi nhận thức thật sự là mọi cơ chế và thể chế, khuôn khổ diễn đàn và thoả thuận đa phương đều bất lợi nhiều hơn là có lợi cho nước Mỹ, bởi mong muốn đến cuồng tín là huỷ hoại mọi thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm để làm nổi bật mọi kết quả cầm quyền của mình và gây dựng chúng thành dấu ấn cầm quyền riêng.

Ông Trump còn muốn thể hiện hình ảnh ở Mỹ về người kiên định thực hiện cam kết tranh cử và trung thành với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Trước khi rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước nói trên, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi nhiều thoả thuận đa phương quốc tế mà Mỹ tham gia từ thời trước.

Những quyết sách như thế của ông Trump bị chi phối và dẫn dắt bởi nhu cầu cấp thiết về tranh thủ cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.

Ông Trump nhằm vào tác động dân túy của mọi hành động và biện pháp chính sách cầm quyền, không chỉ đơn thuần là giúp thể hiện ông Trump thực hiện cam kết tranh cử mà còn giúp ông Trump chứng minh là đã hành động vì “Nước Mỹ trước hết”. Cái giá về đối ngoại mà nước Mỹ sẽ phải trả là Mỹ càng thêm bị biệt lập trên thế giới.