Chuyện vận dụng và viện dẫn luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới rồi, chính quyền Belarus buộc chiếc máy bay hành khách của hãng hàng không Ryanair (Anh) khi bay ngang qua không phận Belarus phải hạ cánh xuống sân bay Minsk ở ngoại ô thủ đô của đất nước này đã dấy lên làn sóng tranh luận và những cuộc phản đối...
Cảnh sát ngăn chặn biểu tình ở thành phố Belarus  vào tháng 8/2020.
Cảnh sát ngăn chặn biểu tình ở thành phố Belarus vào tháng 8/2020.

Lý do được phía Chính phủ Belarus đưa ra để biện luận cho quyết định hành động như thế là nhận được tin báo ở trên chiếc máy bay này có gài bom khiến chiếc máy bay nổ rơi trên lãnh thổ Belarus. 

Chiếc máy bay phải hạ cánh và công việc kiểm soát không phát hiện ra bom nhưng phía chính quyền Belarus bắt giữ hành khách đi trên chuyến bay là nhân vật đối lập Raman Pratasevich và bạn gái.

Chính vì thế, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác cho rằng phía chính quyền Belarus dựng cớ có bom trên máy bay để buộc chiếc máy bay này phải hạ cánh tạo cơ hội bắt giữ nhân vật đối lập nói trên. Vụ việc này đã nhanh chóng trở thành chuyện chính trị ngoại giao phức tạp và nhạy cảm giữa EU với Belarus và cả giữa EU với Nga nữa. 

Về phương diện pháp lý, vụ việc này lại là chuyện vận dụng luật pháp quốc tế hiện hành để đạt được mục đích, và viện dẫn luật pháp quốc tế hiện hành để biện luận cho việc vận dụng kia. Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng quốc tế, hiện tại có hai văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng và quyết định nhất là Hiệp ước Chicago năm 1947 về hàng không dân dụng quốc tế và Hiệp ước Montreal năm 1971 về xử lý những hành động gây nguy hại tới an toàn của hàng không dân dụng quốc tế.

Một trong những quy định cốt lõi của hai văn kiện nói trên là chỉ với lý do thật sự xác đáng thì chính quyền nước sở tại mới có quyền ép buộc máy bay quá cảnh không phận hạ cánh xuống lãnh thổ của nước ấy. 

Trong trường hợp Belarus vừa rồi, nếu lý do thật sự xác đáng vì việc ép buộc chiếc máy bay hạ cánh không vi phạm luật pháp quốc tế. Phía Belarus có thể viện dẫn hai hiệp ước này để lập luận cho quyết định sử dụng quyền hành động chính đáng và hợp pháp được quy định trong đấy. Nhưng theo phía EU thì gần nửa giờ sau khi ép buộc chiếc máy bay hạ cánh, chính quyền Belarus mới đưa ra lý do về trên máy bay có bom nên phía EU cho rằng chính quyền Belarus đã lạm dụng quyền nói trên để bắt giữ nhân vật đối lập là hành khách trên máy bay, tức là không phải viện dẫn luật để vận dụng luật mà chủ ý vận dụng luật rồi mới tìm lý do trong viện dẫn luật để lập luận cho việc vận dụng luật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “điểm huyệt” EU khi nhắc lại vụ việc mấy nước thành viên EU năm 2013 dùng thủ thuật để buộc chiếc chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales phải hạ cánh xuống sân bay ở Vienna để tiếp nhiên liệu. Khi ấy, một số nước thành viên EU không cho phép chiếc chuyên cơ của ông Morales bay qua không phận khiến nó phải đáp xuống Vienna (Áo) để tiếp nhiên liệu.

Sau khi hạ cánh, phía Áo không cho phép chiếc chuyên cơ này bay tiếp mà đòi lục soát chiếc chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia với lý do nghi ngờ trên đấy có cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden đang bị phía Mỹ truy nã. Chỉ sau khi ông Morales đồng ý cho lục soát chuyên cơ thì phía Áo mới cho phép chiếc chuyên cơ cất cánh và không có Edward Snowden trên đấy. 

Ở đây có thể thấy phía EU có hẳn kịch bản rất bài bản để truy lùng Edward Snowden. Trước tiên là việc buộc chiếc chuyên cơ của ông Morales phải hạ cánh vì phải tiếp nhiên liệu nhưng sau khi hạ cánh rồi thì mới có chuyện lục soát. Cả hai hành động này đều vi phạm hai hiệp ước nói trên khi trong thực chất đều hoàn toàn bất chấp cả hai hiệp ước.

Qua đó có thể thấy một khi trở thành công cụ của chính trị thì luật pháp quốc tế được vận dụng như thế nào tuỳ thuộc vào cách viện dẫn của phía vận dụng chính luật ấy.