Ngày 3/11 tới, cử tri Mỹ sẽ đi bầu tổng thống, 1/3 số dân biểu trong Thượng viện và bầu mới toàn bộ Hạ viện. Các cuộc bầu cử này là sự kiện chính ở nước Mỹ. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra là tác nhân bất ngờ xuất hiện và rất có thể đóng vai trò rất quyết định tới kết cục cuối cùng của các cuộc bầu cử này, đặc biệt tới kết quả bầu cử tổng thống. Dịch bệnh này thách thức cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trên những phương diện khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ vừa tạo cơ may mới, vừa đưa lại nhiều rủi ro hơn cho tất cả các ứng cử viên.
Ở phía Đảng Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trên cương vị hành pháp nên phải có hành động cụ thể và phải đưa lại kết quả cụ thể trong khi tất cả các ứng cử viên tổng thống khác đều chỉ cần phải đưa ra ý tưởng.
Cử tri Mỹ phán xét ông Trump có đủ khả năng xử lý cuộc khủng hoảng này hay không, trong khi chỉ cần biết các ứng cử viên khác có ý tưởng giải pháp gì hay không. Nếu ông Trump thành công thì cử tri sẽ không đếm xỉa gì đến ý tưởng giải pháp của tất cả các ứng cử viên tổng thống khác. Còn nếu ông Trump thất bại trong việc này thì cử tri sẽ phán xử ý tưởng của các ứng cử viên kia có hứa hẹn thành công và khả thi hay không.
|
Đường phố New York - nơi mệnh danh thành phố không ngủ của Hoa Kỳ vắng ngắt trong kỳ đại dịch |
Hiện tại, dịch bệnh đã hoành hành ở nước Mỹ đến mức ông Trump phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Con số người bị nhiễm bệnh và bị chết bởi dịch bệnh tiếp tục tăng. Nhiều biện pháp quyết liệt được áp dụng ngày càng rộng rãi, nói theo cách khác, chính quyền Mỹ chưa ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh và chưa thể biết được đến khi nào nước Mỹ mới đẩy lùi được dịch bệnh này. Dịch bệnh kéo dài càng tới sát thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ thì tác động của nó tới kết quả cuối cùng của các cuộc bầu cử ấy càng thêm quyết định.
Dịch bệnh này lúc đầu đã bị ông Trump coi thường, nhìn nhận nó chỉ như một dịch cúm thông thường và nước Mỹ không bị ảnh hưởng lớn gì. Chỉ sau khi thấy được sựu đe dọa thực sự, ông Trump mới vội vã hành động - tức là khi thấy dịch bệnh bắt đầu có thể đe doạ thật sự cơ may được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Đến nay dịch bệnh này đang phơi bày những yếu kém và bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế ở Mỹ, lại còn ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại của nước này. Nếu không nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh đồng thời cải thiện được nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ông Trump sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong vận động tranh cử và triển vọng tái đắc cử tổng thống sẽ trở nên mờ nhạt đi đáng kể.
Nhưng ở vị thế cầm quyền, ông Trump có cơ hội đem về thành quả cụ thể khiến cử tri Mỹ bị thuyết phục, đó là lợi thế mà tất cả các ứng cử viên tổng thống khác không thể có được. Rủi ro rất lớn trong dịp dịch bệnh này nếu thất bại, nhưng cơ may cũng rất lớn nếu thành công. Cho nên ông Trump đã nhanh chóng tìm cách giành lại thế chủ động trong đối phó dịch bệnh, áp dụng ngay những biện pháp mạnh mẽ để chứng tỏ thật sự quan tâm và hành động quyết liệt.
Ông Trump đã đóng cửa biên giới nước Mỹ đối với người nước ngoài, đã đưa ra gói tài chính trợ giúp tăng trưởng kinh tế với mức độ vốn kỷ lục, đã hoãn tổ chức hội nghị cấp cao của Nhóm G7... Tất cả đều nhằm để đối nội và trang trải nhu cầu đối nội cấp thiết hiện tại. Các ứng cử viên tổng thống khác cũng ngay lập tức đưa dịch bệnh này thành chủ đề nội dung mới cho vận động tranh cử.
Các ứng cử viên thuộc phe Đảng Dân chủ tuy ganh đua nhau không khoan nhượng nhưng lại có quan điểm khá giống nhau về biện pháp chính sách đối phó dịch bệnh và cùng nhau biến dịch bệnh này thành con bài mới nhằm đấu với ông Trump. Họ nhằm vào những yếu kém, bất cập, bị động và cả sai lầm của ông Trump trong việc đối phó dịch bệnh này. Dịch bệnh làm cho các cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ thêm đa dạng và khó có thể sớm lường liệu được kết cục cuối cùng.