Giới quan sát dự đoán gì về cuộc trao đổi trực tuyến của lãnh đạo Mỹ - Trung?

(PLVN) - Xung quanh việc ông Tập Cận Bình không trực tiếp tham dự Hội nghị cấp cao của nhóm G20 và hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu trái đất, hiện có đồn thổi về khả năng hai ông Biden và Tập Cận Bình tiến hành cuộc trao đổi trực tuyến với nhau vào thời điểm nào đấy từ nay cho tới cuối năm 2021.
Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc họp trực tuyến cuối năm nay.

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới Thủ đô Roma của Italy để tham dự Hội nghị cấp cao của nhóm G20 và tới thành phố Glasgow (Scottland, Anh) để tham dự hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu trái đất đã làm tiêu tan mọi cơ hội có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập Cận Bình. Hiện có đồn thổi về khả năng hai vị này tiến hành cuộc trao đổi trực tuyến với nhau vào thời điểm nào đấy từ nay cho tới cuối năm 2021.

Ông Tập Cận Bình không tới Roma và Glasgow vì lý do khác chứ chắc chắn không phải nhằm để tránh gặp ông Biden. Cho dù ông Tập Cận Bình có tham dự trực tiếp hai sự kiện lớn nói trên và cả tới đây có trao đổi trực tuyến với ông Biden thì quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đều rất khó có thể được cải thiện một cách cơ bản.

Với những phát ngôn gần đây nhất của ông Biden và cộng sự thân cận là Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken về Đài Loan, phía Mỹ làm gia tăng chứ không giảm bớt mức độ bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa hai bên đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.

Trong thời gian cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Biden đã 2 lần có phát ngôn công khai với nội dung và hàm ý là Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 50 năm ngày giành lại ghế đại diện trong Liên Hợp quốc (25/10/1971), ông Blinken kêu gọi Liên Hợp quốc hậu thuẫn Đài Loan tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Liên Hợp quốc. Trung Quốc không c giận sao được khi tất cả những động thái mới này của Mỹ đều không thuận với định hướng và nguyên tắc trong quan điểm chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Trung Quốc nhìn nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Đấy là tinh thần và nội dung cốt lõi của chính sách “Một nước Trung Quốc” mà Trung Quốc theo đuổi lâu nay. Theo quan điểm chính sách này thì không thể có chuyện Đài Loan được công nhận ngoại giao như một quốc gia và Đài Loan không thể được coi hay chấp nhận là thành viên của Liên Hợp quốc. Đồng thời cũng theo đó, mọi chuyện liên quan đến Đài Loan đều là chuyện nội bộ của Trung Quốc và phải do Trung Quốc xử lý, trong đó có chuyện tái thống nhất giữa đại lục với đảo.

Mỹ cũng cam kết với Trung Quốc tuân thủ chính sách này. Mỹ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Nhưng Mỹ lại có những bộ luật về hậu thuẫn Đài Loan bảo vệ an ninh, tức là không để cho ai đó bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tấn công Đài Loan. Chừng nào phía Mỹ còn duy trì kiểu cam kết bảo vệ Đài Loan như thế này thì chừng ấy Trung Quốc chưa thể thực hiện thành công được việc thống nhất đại lục với đảo trừ khi Đài Loan chủ động và tự nguyện từ bỏ mối quan hệ đồng minh chiến lược lâu nay với Mỹ để về hẳn với Trung Quốc.

Với những động thái mới rồi liên quan đến Đài Loan, ông Biden và cộng sự đã đi xa hơn tất cả các chính quyền tiền nhiệm trong việc khẳng định rõ ràng cam kết của Mỹ bảo vệ an ninh và trợ giúp Đài Loan có được sự công nhận chính thức của thế giới. Mỹ làm như thế thì Trung Quốc bị tổn hại cả thể diện quốc gia lẫn lợi ích cơ bản. Mỹ sử dụng ngày càng nhiều và càng hiệu quả con chủ bài Đài Loan trong xử lý quan hệ song phương với Trung Quốc.

Ẩn ý của phía Mỹ ở đây còn là Trung Quốc càng làm cho Đài Loan cảm nhận thấy bị đe dọa an ninh thì phía Mỹ càng có thêm lý do xác đáng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ đồng minh chiến lược với Đài Loan. Trung Quốc không thể từ bỏ chủ trương thu về Đài Loan như đã thu về Hong Kong và Ma Cao nên con chủ bài Đài Loan càng đắc dụng đối với Mỹ.

Cho nên có thể thấy bên cạnh cuộc xung khắc thương mại và vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, vấn đề Đài Loan sẽ càng thêm nổi cộm, thêm nhạy cảm và nan giải trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiện tại, nó như dầu đổ vào ngọn lửa bất hoà giữa hai bên và chắc chắn là một trong những nguyên do khiến phía Trung Quốc không thật sự mặn mà và gấp gáp với việc tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao trực tiếp cũng như gián tiếp giữa hai bên. Cũng rất có thể phía chính quyền của ông Biden đang chuẩn bị dư luận cho sự điều chỉnh cơ bản nào đấy chính sách của Mỹ đối với Đài Loan trong thời gian tới.