Giữa mùa dịch, EU và NATO nhường cơ hội “làm bàn” cho “bên ngoài”

(PLVN) - Việc những thành viên của EU và NATO trong tình cảnh khốn khó bởi dịch bệnh tác động không được EU và NATO nói chung hay các đồng minh và đối tác chiến lược của họ trợ giúp kịp thời và hiệu quả đã tạo cho bên ngoài cơ hội để gây dựng ảnh hưởng, trong đó có Trung Quốc và Nga...
Italia cầu cứu Trung Quóc trong cuộc chiến chống Covid-19
Italia cầu cứu Trung Quóc trong cuộc chiến chống Covid-19

Trung Quốc đã qua được thời kỳ khó khăn nhất do dịch bệnh viêm phổi cấp bởi virus corona. Nga hiện cũng đã phải có biện pháp đối phó quyết liệt với dịch bệnh. Còn Mỹ và các nước thành viên EU và NATO ở châu Âu đang trở thành tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh.

Và việc có những thành viên của EU và NATO trong tình cảnh khốn khó bởi dịch bệnh tác động không được EU và NATO nói chung hay các đồng minh và đối tác chiến lược của họ trong các tổ chức và liên minh ấy trợ giúp kịp thời và hiệu quả đã tạo cho bên ngoài cơ hội để gây dựng ảnh hưởng, trong đó có Trung Quốc và Nga.

Các chuyên gia Trung Quốc sang trợ giúp Italia đối phó với dịch bệnh Covid-19
Các chuyên gia Trung Quốc sang trợ giúp Italia đối phó với dịch bệnh Covid-19

Ngay từ rất sớm, Trung Quốc đã trợ giúp Italia đối phó với dịch bệnh. Nga và Cuba cũng đã có những hành động tương tự. Nước này trợ giúp quốc gia kia khắc phục khó khăn như đối phó với dịch bệnh hiện tại vốn là chuyện nhân đạo và thiện chí trong quan hệ giữa các quốc gia, có liên quan đến nhưng không phải hoàn toàn phản ánh mức độ tốt đẹp của mối quan hệ song phương hay đa phương ấy. Nhưng việc trợ giúp này còn có tác động chính trị vượt ra ngoài khuôn khổ các mối quan hệ song phương như giữa Italia với Trung Quốc, Nga hay Cuba hiện tại.

Đoàn chuyên gia, bác sĩ của Cuba sang giúp Italia chống dịch
 Đoàn chuyên gia, bác sĩ của Cuba sang giúp Italia chống dịch 

Đối với những quốc gia ở trong tình cảnh khốn khó như Italia, câu ngạn ngữ “Một nắm khi đói bằng cả gói khi no” rất ứng. Những thành viên EU và NATO không bực bội và cả đau đớn sao được khi chẳng có đồng minh và đối tác nào của họ kịp thời ứng cứu trợ giúp khi được yêu cầu. Ủy ban EU kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ Italia nhưng lời kêu gọi này không được đáp ứng. Mãi về sau mới thấy Đức có viện trợ cho Italia.

Sự trợ giúp của bên ngoài như Trung Quốc, Nga hay Cuba vừa là việc làm nhân đạo nhưng cũng còn là cách để tranh thủ đối tác và để tạo dựng hình ảnh, tăng cường ảnh hưởng ở châu Âu. Việc này còn làm phân rẽ giữa những thành viên muốn được trợ giúp như Italia với EU và NATO cũng như với các thành viên khác của hai liên minh này. Thế giới ngoại giao có thêm khái niệm “Ngoại giao khẩu trang” ám chỉ tác động ngoại giao của việc gửi hàng cứu trợ sang cho những nước cần khẩu trang để ứng phó với dịch bệnh.

Đành rằng dịch bệnh không chừa quốc gia nào ở châu Âu cũng như trên thế giới. Nhưng không phải các quốc gia đều bị tác động bởi dịch bệnh như nhau và đều có khả năng ứng phó dịch bệnh như nhau. Chính trong những tình cảnh khốn khó như hiện tại ở Italia chẳng hạn, các nước thành viên cần đến sự trợ giúp của các tổ chức và liên minh mà họ tham gia hơn bao giờ hết.

Bằng cách không kịp thời trợ giúp cho các thành viên như Italia, EU và NATO đã tạo cho các nước khác cơ hội "làm bàn" ở ngay chính trong phạm vi của EU và NATO. Trung Quốc và Nga đã rất nhạy bén trong việc tận dụng cơ hội này. Hoặc như "biệt đội" gồm 52 bác sĩ và y tá của Cuba ngày 23/3 vừa qua đã lên đường sang châu Âu giúp Italia chống đại dịch COVID-19 cũng chính là một ví dụ sinh động...