"Cháy" giấy vệ sinh - cuộc khủng hoảng ngu ngốc nhất trong đại dịch Covid-19

(PLVN) - Giấy vệ sinh đang là xu hướng, trở thành món hàng được truy lùng không chỉ ở Úc mà hầu như ở mọi nơi khi người dân hoảng loạn gom hàng dự trữ cho dịch Covid-19 do virus corona gây ra. Cũng chính từ đây mà xảy ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười”.
Giấy vệ sinh "cháy hàng" tại các nước Nhật Bản, Singapore, Úc vì đại dịch Covid-19
Giấy vệ sinh "cháy hàng" tại các nước Nhật Bản, Singapore, Úc vì đại dịch Covid-19

Hầu tòa vì tranh cướp giấy vệ sinh

Theo đó, cảnh sát Australia mới đây đã gửi trát đòi hầu tòa đối với với 2 phụ nữ liên can trong vụ đánh nhau giành mua giấy vệ sinh tại siêu thị Woolworths (vùng ngoại ô Chullora, phía Tây thành phố Sydney) trong lúc Australia giới hạn mỗi người chỉ có thể mua 1 bịch/lần. Mới đây, trong một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy người phụ nữ 49 tuổi lao vào giựt tóc một trong hai người phụ nữ khác. Cả ba bắt đầu điên tiết lao vào ẩu đả và la hét ầm ĩ.

“Tôi chỉ muốn mua một túi giấy”, một người nói, trong khi người phụ nữ đang đẩy xe hàng chất đầy giấy vệ sinh đáp: Không, không một bịch nào cả”. Vì vụ ẩu đả quá căng thẳng, nhân viên siêu thị phải can thiệp nhưng không thể hòa giải. Sau cùng nhân viên siêu thị buộc phải gọi cảnh sát. Đoạn video này nhận được hơn 4 triệu lượt xem trên mạng xã hội và nhanh chóng xuất hiện trên các bản tin khắp thế giới.

Những xe hàng chất đầy giấy vệ sinh là hình ảnh thường gặp trong siêu thị một số nước
Những xe hàng chất đầy giấy vệ sinh là hình ảnh thường gặp trong siêu thị một số nước  

Hai phụ nữ đến từ thành phố Bankstown (bang New South Wales) đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát Bankstown vào tối cùng ngày. Sau đó, họ nhận giấy triệu tập đến tòa địa phương Bankstown ngày 28/4 vì tội ẩu đả.

Theo luật hình sự ở New South Wales, một người có thể bị buộc tội ẩu đả nếu họ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực bất hợp pháp đối với người khác. Cảnh sát Andrew New cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu mọi người không hoảng loạn mua đồ tích trữ,  điều này không cần thiết. Hơn nữa, bản chất của bạo lực sẽ không được dung thứ. Bất cứ ai có hành vi như vậy đều có thể phạm tội và phải ra hầu tòa. Chúng tôi yêu cầu mọi người không nên đổ xô ra ngoài, điên cuồng mua sắm thuốc paracetamol, thực phẩm đóng hộp và giấy vệ sinh tại các siêu thị”.

Tích trữ giấy vệ sinh trong hoảng loạn

Dịch Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) đang lan khắp toàn cầu và trở thành nỗi sợ hãi gieo rắc cái chết. Ở Australia cũng vậy khi số ca mắc virus corona có chiều hướng tăng lên mỗi ngày. Để chuẩn bị trước nguy cơ đại dịch, người Australia đã được khuyến nghị dự trữ đủ thực phẩm và thuốc men trong nhà cho ít nhất 2 tuần và đảm bảo điều kiện vệ sinh tương tự như những tình huống buộc phải ở trong nhà trong thời gian dài như cháy rừng, lũ lụt.

Thế nhưng, một trong những viễn cảnh khiến người dân nước này lo ngại nhất là thiếu giấy vệ sinh, chứ không phải lương thực, thực phẩm. Sự hoảng loạn, đổ xô đi mua giấy vệ sinh bắt nguồn từ việc nước này ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona. Trên mạng xã hội, hashtag #toiletpapercrisis (tạm dịch: Khủng hoảng giấy vệ sinh) trở thành từ khóa được quan tâm hàng đầu.

Tại nhiều trang mạng, giá mặt hàng này bị độn lên gấp vài lần, ở mức hàng trăm USD. Một đài phát thanh ở Australia thậm chí còn dùng 3 bịch giấy vệ sinh làm phần quà cho người nghe đài. Tại nhiều siêu thị ở Sydney, kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng khi người dân Australia tranh nhau mua hàng dự trữ. Các siêu thị sau đó đã ra quy định mỗi người chỉ được phép mua tối đa 4 bịch giấy để tránh trường hợp vơ vét.

Không mua được, nhiều người chuyển sang ăn cắp giấy trong các nhà vệ sinh công cộng. Trong vòng 48 giờ, số vụ trộm mặt hàng này tăng đột biến. Mặc dù chính quyền địa phương cố gắng trấn an người dân không nên ồ ạt đi mua tích trữ và khẳng định không lo sợ thiếu nguồn cung vì giấy vệ sinh đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra.

Thế nhưng, khung cảnh hỗn loạn, giành giật giấy vệ sinh giữa những người mua hàng khiến cảnh sát nước này buộc phải can thiệp. Tuần trước, một vụ ẩu đả, tranh cãi diễn ra khi mua giấy vệ sinh và một bên đã rút dao để đe dọa đối phương. Trên thực tế, chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào nhắc đến hiệu quả phòng chống COVID-19 của giấy vệ sinh. Tác dụng lớn nhất của giấy vệ sinh chính là... làm sạch sau khi chúng ta giải quyết nhu cầu đào thải phân.

Vậy tại sao giấy vệ sinh lại cháy hàng? Có rất nhiều lời giải thích hiện tượng này. Theo đó, giấy vệ sinh dĩ nhiên là một mặt hàng thiết yếu trong gia đình, nhưng có một số lý do khác khiến mọi người đổ xô đi mua. Sự bùng phát dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, một trong các nguồn cung giấy vệ sinh quan trọng nhất thế giới. Điều đó khiến cho nhiều nơi lo sợ về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, nhưng các chuyên gia cho rằng không cần phải lo lắng.

Tim Woods - một nhà phân tích thị trường, cho biết chỉ có khoảng 40% giấy vệ ở Australia được nhập từ Trung Quốc, phần còn lại được sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất giấy vệ sinh hàng đầu tại Australia, như Kleenex và Solaris Paper cũng cho biết nguồn cung giấy vệ sinh vẫn còn. Còn các chuyên gia tâm lý nói đó là hệ quả của “hiệu ứng đám đông”.

Trước hết, khi người ta đi mua sắm đề phòng dịch lan rộng, những món phục vụ cho nhu cầu cơ bản sẽ được đặt lên đầu tiên. Ví dụ như: nhu cầu ăn uống (rau, gạo, cá, thịt, mì...); nhu cầu mặc (quần áo cơ bản); nhu cầu vệ sinh cá nhân (bàn chải răng, khăn mặt, giấy vệ sinh). Trong khi những mặt hàng kia có rất nhiều lựa chọn thay thế (không mua gạo có thể mua mì tôm, mì sợi, bánh mì hay đồ khô...) thì giấy vệ sinh lại không có thứ gì thay thế được.

Trong siêu thị, kệ hàng giấy vệ sinh thường chiếm diện tích lớn. Và khi chúng ta đi trong một dãy hàng hóa chật kín bỗng nhiên thấy một khoảng trống rỗng, lập tức sẽ thu hút sự chú ý. “Khi 50 bịch giấy vệ sinh cùng lúc biến mất khỏi kệ, bạn thực sự bị tác động thị giác bởi chúng vốn tốn rất nhiều chỗ. Nó gây ấn tượng vào trí óc hơn nhiều so với việc 50 lọ nước rửa tay bán hết”, Debra Grace (Giáo sư tại Đại học Griffith) đánh giá.

Hay theo Phó Giáo sư Nitika Garg từ Đại học New South Wales, hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - tạm dịch: Hội chứng sợ bị bỏ lỡ) góp phần nhiều vào tình trạng này. “Người dân giữ suy nghĩ nếu hàng xóm tôi mua giấy vệ sinh, ai ai cũng mua mặt hàng đó về tích trữ, chẳng có lý do gì mà tôi lại không làm theo vậy”, Garg cho hay. Việc giấy vệ sinh cháy hàng ở hầu hết mọi cửa hàng trên toàn Australia gây nên sự hoang mang tại một số khu vực.

Trên mạng, nhiều người dùng thể hiện sự bất bình lẫn lúng túng khi khó tìm ra giải pháp thay thế cho một mặt hàng vốn thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Một số người gọi đây là cuộc khủng hoảng “ngu ngốc nhất” từng xảy ra tại xứ sở chuột túi. Những người khác lên án tâm lý “đầu cơ tích trữ” khi giấy vệ sinh thực chất không phải vật dụng có khả năng giúp con người giảm nguy cơ nhiễm virus như khẩu trang hay nước rửa tay.