Lỗ hổng khiến dịch bệnh Covid-19 lây lan ở Mỹ

(PLVN) - Virus SARS-CoV-2 đã lợi dụng “vết nứt” trên chiếc “áo giáp” bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Mỹ để âm thầm lây lan, đó là vấn đề liên quan đến xét nghiệm. Một số ý kiến cho rằng, giới chức y tế liên bang của Mỹ đã vụng về trong việc tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu và hạn chế việc sàng lọc rộng rãi những người có khả năng nhiễm bệnh..
Lỗ hổng trong xét nghiệm và chẩn đoán là nguyên nhân khiến Covid 19 lan rộng ở Mỹ
Lỗ hổng trong xét nghiệm và chẩn đoán là nguyên nhân khiến Covid 19 lan rộng ở Mỹ

Lỗ hổng đáng chú ý

Tính đến cuối tuần qua, Mỹ ghi nhận 200 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, 14 người tử vong. Hàng chục bệnh nhân ở một số bang có thể đã lây nhiễm virus trong cộng đồng, cho thấy mầm bệnh có thể đã tồn tại tại các địa phương đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng việc số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ gia tăng mạnh những ngày qua không chỉ vì virus đang lan rộng mà còn vì giới chức liên bang Mỹ đã có những phản ứng chậm chạp.

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) triển khai phương pháp xét nghiệm chẩn đoán virus 3 bước và bộ dụng cụ xét nghiệm phân tán - mỗi bộ có thể thực hiện khoảng 800 xét nghiệm. Cơ quan này sau đó đã chuyển hàng trăm bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán virus đó đến các phòng thí nghiệm y tế của các bang và địa phương.

Tuy nhiên, sau khi các địa phương đã nhận bàn giao các thiết bị này, họ mới phát hiện ra rằng một số thành phần bộ dụng cụ bị lỗi và cho kết quả không đúng. CDC đã không giải thích đầy đủ lý do dẫn đến lỗi này, ngoại trừ việc nói rằng có một khiếm khuyết trong quá trình sản xuất.

CDC sau đó cam kết sẽ cung cấp hàng thay thế trong vài tuần và vẫn không cho phép các phòng thí nghiệm của các tiểu bang và địa phương đưa ra chẩn đoán cuối cùng đối với các trường hợp nghi ngờ. Do đó, việc xét nghiệm chẩn đoán virus chỉ được tiến hành tại phòng thí nghiệm của cơ quan này tại Atlanta. Các nhà phê bình cho rằng CDC về cơ bản khiến số lượng người Mỹ được kiểm tra xét nghiệm rất ít bằng cách áp đặt các tiêu chí nghiêm ngặt và hẹp.

Ông Thomas Frieden (cựu Giám đốc CDC) cho rằng, cách triển khai đối phó với dịch của Mỹ rõ ràng có vấn đề trong việc triển khai xét nghiệm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Frieden cho biết ông nghĩ rằng tình hình đang được cải thiện.

Các chuyên gia khác mặc dù ủng hộ CDC, nhưng vẫn cho rằng các quan chức liên bang có thể đã phạm rất nhiều sai lầm trong việc đối phó với dịch ngay từ đầu. Tiến sĩ Michael Mina (một nhà dịch tễ học tại Đại học Harvard) cho rằng dịch bệnh Covid-19 không phải là một vấn đề quá khó giải quyết trong việc đối phó với các dịch bệnh do virus gây ra. Có điều, phản ứng của CDC là rất đáng thất vọng.

Quá muộn?

Đầu tuần trước, sau những chỉ trích về phản ứng của chính quyền liên bang, các quan chức trong Chính phủ Mỹ đã hứa sẽ mở rộng nhanh chóng năng lực tiến hành xét nghiệm của Mỹ. Tiến sĩ Stephen Hahn (một quan chức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho biết, với sự giúp đỡ của các công ty tư nhân và các trung tâm học thuật, đến cuối tuần qua, các cơ sở của Mỹ có thể thực hiện tới 1 triệu xét nghiệm chẩn đoán virus. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng việc này có thể đã muộn.

Số người tử vong ngày càng tăng ở Mỹ
Số người tử vong ngày càng tăng ở Mỹ 

CDC cuối cùng đưa ra phương pháp thử nghiệm 2 bước và cho phép một vài phòng thí nghiệm có các bộ dụng cụ đạt chuẩn tiếp tục xét nghiệm. Nhưng nhiều phòng khác vẫn không thể tự tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân. Sau khi gửi mẫu cho CDC phải vất vài ngày mới có thể nhận được kết quả. Đó là còn chưa kể đến việc các tiêu chí để được làm xét nghiệm cũng rất khắt khe, không phải ai nghi nhiễm cũng được làm xét nghiệm mà bệnh nhân phải đến Trung Quốc gần đây hoặc tiếp xúc với người đã xác nhận nhiễm bệnh mới được làm.

Các bác sĩ trên khắp nước Mỹ đã phàn nàn về điểm nghẽn này, bao gồm cả các tiêu chí xét nghiệm quá hẹp và khả năng thực hiện các xét nghiệm hạn chế của CDC dù cơ quan này cho biết họ có khả năng làm khoảng 400 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. “Tiêu chí quá khắt khe nên nhiều người không được xét nghiệm”, bà Lauren M. Sauer (Phó giáo sư về y học khẩn cấp tại Đại học Y Johns Hopkins) nhận định và cho biết bà đã nghe được rất nhiều phàn nàn từ các đồng nghiệp về việc bị từ chối làm xét nghiệm cho bệnh nhân.

Vá lỗ hổng

Phải đến cuối tháng 2, khi những trường hợp được cho là lây nhiễm virus trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở California và bang Washington, CDC mới mở rộng tiêu chí bệnh nhân đủ điều kiện xét nghiệm, bao gồm người trở về từ những ổ dịch mới như Hàn Quốc và Italia, đồng thời cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng chưa rõ nguyên nhân nhập viện.

“Chúng tôi thực sự thất vọng vì một trong những điểm đặc trưng của các phòng thí nghiệm y tế công cộng như chúng tôi là phải luôn trong tình trạng ‘Vào vị trí! Sẵn sàng! Hành động!’, còn đằng này lại rơi vào tình trạng “Vào vị trí! Sẵn sàng! Chờ đợi!’”, ông Scott Becker (Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng) cho hay.

Tiếp đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phá thế nghẽn, ủy quyền cho các phòng thí nghiệm của bang và địa phương tự làm xét nghiệm ban đầu. Nếu các phòng thí nghiệm đã tự phát triển được cách xét nghiệm được công nhận về kết quả, họ có thể sử dụng để chẩn đoán thay vì dựa vào phiên bản của CDC hoặc chờ các thiết bị thay thế được chuyển đến.

Động thái này đã gia tăng đáng kể số người được xét nghiệm trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, số người được xét nghiệm ở Mỹ vẫn chưa đến 500 người nghi nhiễm đã được giới chức y tế xác định có yếu tố dịch tễ. Trong khi đó, các quốc gia khác đã xét nghiệm hàng chục nghìn người. Trung Quốc có thể đã xét nghiệm hàng triệu người. “Tại sao Hàn Quốc có thể làm 10.000 xét nghiệm một ngày mà chúng ta không thể? Chúng ta biết là virus có thể lây trong thời kỳ ủ bệnh và nó đã lây lan mạnh ở Trung Quốc, tại sao Mỹ lại không thực hiện hàng chục nghìn xét nghiệm? Sau khi đã biết rằng có những trường hợp lây lan không có triệu chứng và lây lan trong cộng đồng ở Trung Quốc, tại sao nước Mỹ lại không thực hiện hàng chục ngàn xét nghiệm?”, ông Ralph Baric - một người đang nghiên cứu về virus corona và các bệnh mới tại Đại học Bắc Carolina - nói.

Theo CDC, ngay sau khi dịch bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, cơ quan này đã xây dựng các biện pháp xét nghiệm. “Thông thường, CDC là bên cung cấp phương pháp xét nghiệm cho thế giới”, ông Frieden nói. Song, trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu Đức đã đi trước một bước, phát triển được biện pháp xét nghiệm riêng, được WHO chấp nhận và nhanh chóng phân phối trên toàn thế giới. Sau khi phiên bản của CDC bị phát hiện có lỗi, cơ quan này tiếp tục tìm cách sửa chữa dù bộ dụng cụ của Đức đã được sử dụng rộng rãi. “Họ đã chọn cách tiếp cận rất Mỹ. Họ nghĩ rằng “chúng tôi là người Mỹ, là cơ quan y tế công cộng lớn của Mỹ và chúng tôi sẽ không phải làm theo bên khác”, ông Michael Mina nhận định.

Trong một phát biểu hôm tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng thừa nhận Mỹ hiện không có đủ số lượng bộ test để phát hiện virus SARS-CoV-2. “Chúng ta hiện không đủ số lượng bộ kit thử để đáp ứng nhu cầu dự kiến trong thời gian tới”, ông Pence nói sau khi tới thăm trung tâm sáng tạo của công ty 3M chuyên sản xuất khẩu trang chuyên dụng chống virus.