Trung Quốc tái cơ cấu hệ thống cung ứng thịt sau các đại dịch liên quan đến động vật?

(PLVN) - Trung Quốc có khả năng sẽ tiến hành tái cấu trúc hệ thống sản xuất và phân phối thịt của nước này bằng cách loại bỏ các nhà sản xuất nhỏ để ủng hộ chăn nuôi quy mô lớn, sau khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) bùng phát.
Thịt lợn trở nên khan hiếm ở Trung Quốc trong nhiều tháng qua
Thịt lợn trở nên khan hiếm ở Trung Quốc trong nhiều tháng qua

Ủng hộ chăn nuôi quy mô lớn

Các nhà phân tích tại Trung tâm Jefferies cho biết, giới chức Trung Quốc đang tiếp cận một số nhà nhập khẩu thịt ở Hongkong và đưa ra cơ hội lập các nhà máy chế biến thịt lợn và thịt các loài động vật hiện đại.

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng đã tham vấn các chuyên gia về thiết lập dây chuyền sản xuất chế biến thịt, các thực hành tốt nhất của thế giới về an toàn thực phẩm. “Chúng tôi nghĩ rằng, sau những vấn đề gần đây, chính phủ sẽ đưa ra những thông báo tiếp theo nhằm kết thúc việc giết mổ động vật ở các thành phố hay các khu chợ”, các nhà phân tích tại Hongkong cho hay.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt những mối lo ngại về sức khỏe đã ảnh hưởng đến nguồn cung và an ninh thịt của nước này, gần đây nhất là dịch COVID-19. Trước đó, tại Trung Quốc cũng đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm.

Theo các thông tin của Jefferies, 5 tỉnh của Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa các địa điểm buôn bán và giết mổ gia cầm trong khi dịch bệnh tả lợn châu Phi đã buộc chính phủ nước này phải tiêu hủy hầu hết đàn lợn trong năm 2019, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông David Yeung - người sáng lập Green Common có trụ sở tại Hongkong- cho rằng mọi người sẽ trở nên ý thức hơn về những gì họ tiêu thụ. “Tôi có thể tự tin nói rằng nhu cầu về thực phẩm lành mạnh sẽ tăng vọt ở Trung Quốc vì nhận thức về an toàn thực phẩm phải ở một cấp độ hoàn toàn mới”, ông Yeung nói.

Còn ông Arun Sundaram (chuyên gia của CFRA Research, một công ty nghiên cứu đầu tư độc lập) cho rằng việc chuyển đổi có thể mất thời gian. Theo ước tính của ông này, Trung Quốc sẽ phải mất hơn 5 năm để khôi phục sau đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua.

Nguy cơ từ những khu chợ

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh khu chợ hải sản Hoa Nam (trung tâm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) đã trở thành tâm điểm chú ý do bị nghi là nơi phát tán chủng mới của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Các nhà khoa học đến nay đã xác nhận rằng bệnh dịch do virus corona gây ra là bệnh lây truyền từ động vật. Tuy nhiên, họ vẫn đang điều tra chính xác sinh vật nào có thể là nguồn gốc của virus thuộc cùng một gia đình với virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hiện nay.

Ông Gao Fu (Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc) cho biết, virus corona với khả năng thích nghi, đột biến, lây lan qua đường hô hấp có thể xuất phát từ động vật hoang dã được bày bán tại chợ Hoa Nam.

Theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên tạp chí The Lancet, loài dơi được cho là vật chủ đầu tiên gây ra bệnh dịch và một loài vật được bán tại chợ hải sải Hoa Nam chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Theo các thống kê, những ca mắc bệnh đầu tiên là nhân viên của chợ. Đa số những người bị nhiễm virus cũng đã đến chợ này.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ các khu chợ
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ các khu chợ 

Đến đầu tháng 2 vừa qua, một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, trình tự gen của chủng virus corona mới được tách ra từ tê tê giống tới 99% so với trình tự bộ gen virus corona ở người nhiễm bệnh.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền nhiễm virus corona. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc khẳng định chưa thể kết luận cụ thể nguồn gốc bùng phát virus là con gì.

Thông tin trên đã khiến sự chú ý đổ dồn về khu chợ Hoa Nam. Tuy có tên là chợ hải sản nhưng trước khi dịch bệnh bùng nổ, chợ hải sản Hoa Nam bán nhiều mặt hàng hơn so với tên gọi của nó.

Theo tờ Time, khi hoạt động buôn bán vẫn diễn ra bình thường, ở khu chợ này vẫn thường có 2 dãy hàng bán các sản phẩm khác nhau. Trong đó, ở những quầy hàng ẩm thấp sẽ bày bán chủ yếu là cá và động vật có vỏ, còn ở dãy bên kia cung cấp các loại gia vị, đồ lặt vặt và những món hàng như hải ly, nhím và rắn.

Ông James (một giáo viên tiếng Anh, sống cách chợ vài chục mét) cho hay, khu chợ này nổi tiếng vì bán rất nhiều động vật hoang dã và lạ, vì vậy không ai ngạc nhiên khi biết rằng virus có thể đến từ một loài động vật lạ nào đó.

Tờ South China Morning Post cũng cho hay, trước khi dịch bệnh bùng phát, tại khu chợ Hoa Nam, các tiểu thương rao bán đủ các loại động vật như gấu túi sống, rắn, chuột và chó sói để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Sau khi dịch bệnh bùng phát và có thông tin nguồn phát tán virus chính là tại chợ Hoa Nam, đầu tháng 1 vừa qua, giới chức Trung Quốc đóng cửa khu chợ Hoa Nam và tăng cường giám sát đối với các hoạt động tại đây. Lực lượng chức năng Trung Quốc trong trang phục chống độc cũng đã đến kiểm tra sạp hàng có đăng quảng cáo bán thịt thú rừng ở chợ Hoa Nam.

Trước đó, virus gây dịch bệnh SARS trong năm 2002-2003 cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hongkong được cho là có nguồn gốc từ dơi và cầy hương - vốn là những món khoái khẩu của nhiều người ở Trung Quốc. Virus SARS khi đó đã được tìm thấy trong cầy hương bày bán tại các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc.

Nhiều nhà khoa học tin rằng virus này đã từ dơi lây nhiễm cho cầy hương và sau đó con người đã ăn thịt chúng và bị nhiễm virus. Sau dịch SARS, chính phủ Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn mua bán thịt động vật hoang dã, nhưng các chuyên gia cho rằng tình trạng vẫn tiếp diễn.

Thắt chặt quy định buôn bán

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, giới chức Trung Quốc cũng đã thành lập một nhóm đặc nhiệm chung với sự tham gia của 5 cơ quan là Cục Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Cục Quản lý Thị trường và Bộ Nông nghiệp và các vấn đề Nông thôn nhằm trấn án tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Trong đó, theo thông báo, hoạt động buôn bán hoặc vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan đều bị cấm ở cả cửa hàng lớn và chợ hay các nền tảng thương mại điện tử. Các ngoại lệ chỉ được áp dụng với các sản phẩm thủy sản đánh bắt. Thông báo của giới chức Trung Quốc cho biết bất kỳ cửa hàng nào vi phạm pháp luật sẽ bị đóng cửa và bất kỳ ai buôn bán hoặc vận chuyển trái phép động vật hoang dã sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn.

Ngày 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tiến hành kỳ họp lần thứ 16. Trong số những nội dung dự kiến sẽ được bàn thảo tại kỳ họp sẽ có việc sửa đổi các luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Trong đó, giới chức Trung Quốc sẽ xem xét đến việc cấm buôn bán động vật hoang dã trái phép và thói quen ăn uống động vật hoang dã để đảm bảo tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của người dân.