Hệ thống hưu trí quá phát triển sắp trở thành “quả bom nổ chậm” ở Thuỵ Sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Người Thuỵ Sĩ được biết đến với phong cách sống hết mình, làm việc chăm chỉ, nghỉ hưu sớm và hưởng thụ sự an nhàn. Sở dĩ họ có thể làm được như vậy bởi vì đất nước này sở hữu một chế độ hưu trí tốt nhất thế giới, đã tồn tại gần nửa thế kỷ. 
Thuỵ Sĩ sở hữu một trong những hệ thống hưu trí tốt nhất thất giới.
Thuỵ Sĩ sở hữu một trong những hệ thống hưu trí tốt nhất thất giới.

Mặc dù cuộc sống về già ở Thuỵ Sĩ nghe rất hấp dẫn với cư dân toàn cầu, nhưng ít ai biết rằng đất nước này đang gặp rất nhiều áp lực từ chính chế độ hưu trí mà họ tự hào bao lâu nay.

“Làn sóng” nghỉ hưu sớm lớn nhất trong lịch sử

Theo số liệu của Cục Thống kê Liên Bang Thuỵ Sĩ (FSO), vào năm 2019 có khoảng 40% đến 50% dân số nước này bắt đầu nhận lương hưu trước độ tuổi nghỉ hưu theo luật định, đó là 65 tuổi đối với nam và 64 tuổi đối với nữ.

Trong đó, nam giới có xu hướng nghỉ hưu sớm hơn so với nữ giới bởi lao động nam thường có mức lương cao, đủ khả năng để nghỉ hưu sớm hơn so với lao động nữ. Một số liệu thống kê khác cho thấy, trung bình một lao động nam sẽ nhận được khoảng ít nhất 2.144 CHF (khoảng 55 triệu đồng) mỗi tháng; còn trung bình một lao động nữ sẽ nhận khoảng ít nhất 1,600 CHF (khoảng 29,7 triệu đồng) mỗi tháng. 

Sở dĩ là “ít nhất” bởi chế độ hưu trí của đất nước Thuỵ Sĩ vốn rất phức tạp, đã tồn tại từ năm 1972, dựa trên ba “trụ cột” cơ bản. Đó là sự cam kết giữa nhà nước, người sở hữu lao động và người lao động nhằm đảm bảo sinh kế cơ bản của người già khi đã cống hiến đủ và về hưu.

Ba “trụ cột” đó được biết đến là bảo hiểm cho người già và người sống sót (AVS) - một loại bảo hiểm xã hội của nhà nước; bảo hiểm phúc lợi nghề nghiệp khi về hưu (LPP) - được duy trì bởi cả chủ sở hữu lao động và người lao động; cuối cùng là hưu trí tư nhân - người lao động tự nguyện tham gia các quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí tư nhân và được hưởng thuế ưu đãi với các khoản đầu tư nhất định. 

Dù việc nghỉ hưu sớm ở Thuỵ Sĩ không hề đơn giản, cần có kế hoạch tỉ mỉ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng chế độ hưu trí rất nhiều ưu đãi ở đất nước này đã hấp dẫn rất nhiều người lao động nước ngoài đến đây nghỉ hưu. Trên thực tế, phong trào Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm (FIRE) đã xuất hiện ở Thuỵ Sĩ nhiều năm nay. Được biết, chủ yếu những người ủng hộ là các lao động nước ngoài. 

Theo giáo sư kinh tế Giovanni Ferro-Luzzi của Trường đại học Tổng hợp Geneva (Genève, Thuỵ Sĩ), những người có mức lương cao. Phần lớn những người nghỉ hưu sớm đều tự nguyện làm như vậy bởi họ có mức lương cao nên sẽ nhận được mức lương hưu cao tương ứng. Còn 7% đến 8% nghỉ hưu vì bị buộc phải từ bỏ công việc sớm bởi nhiều lý do như sức khoẻ.

Gánh nặng từ dân số già có thể khiến chế độ hưu trí Thuỵ Sĩ sụp đổ nếu không được khắc phục sớm.
Gánh nặng từ dân số già có thể khiến chế độ hưu trí Thuỵ Sĩ sụp đổ nếu không được khắc phục sớm. 

Dù vậy, nhiều người Thuỵ Sĩ vẫn lựa chọn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Một cuộc khảo sát của tập đoàn bảo hiểm Swiss Life vào đầu năm 2021 cho thấy một nửa số người được hỏi nói rằng họ sẽ tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, khoảng một phần ba nói rằng họ chưa thể quyết định mà còn tuỳ vào điều kiện lúc nghỉ hưu.

Cũng giống như nhiều xã hội phát triển khác, đất nước Thuỵ Sĩ đang gặp khó khăn trong việc “gồng gánh” một xã hội có dân số ngày càng già hoá. Nói nôm na, ngày càng có ít người đóng góp vào ngân sách và ngày càng có nhiều người hưởng mức lương hưu, khiến các khoản chi vượt mức khoản thu, gây mất cân bằng nghiêm trọng. 

Mới đây, chính phủ nước này công bố rằng, với tình hình hiện tại, ngân sách nhà nước chỉ có thể đảm bảo chi trả toàn bộ khoản lương hưu cơ bản cho đến năm 2030. Như vậy, sẽ có rất nhiều người Thuỵ Sĩ phải “thắt lưng buộc bụng” khi họ già đi. Mới nhấtm một khảo sát khác được thực hiện bởi công ty bảo hiểm Groupe Mutuel và tờ báo Le Temps vào tháng 4/2021 cho thấy, mặc dù 63% những người tham gia tin tưởng vào ba “trụ cột” trong hệ thống an sinh xã hội nước nhà nhưng 60% cho biết họ cảm thấy mức chu cấp cho tuổi già của họ vẫn chưa đủ. 

Một số nguyên nhân lớn nhất có thể kể ra là mức sống cao khiến chi phí sống và sinh hoạt tăng cao, chưa kể tới người già thường cần tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đặc biệt. Mặt khác, người dân Thuỵ Sĩ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, tức là họ càng tích luỹ được nhiều tiền thì càng phải trả nhiều thuế hơn, kể cả khi nghỉ hưu.

Nhiều người Thuỵ Sĩ sau khi về hưu vẫn tiếp tục làm việc hoặc đầu tư tài chính thì họ vẫn phải trả thuế, mặc dù mức thuế ưu đãi hơn rất nhiều so với người chưa nghỉ hưu. Dù vậy, một số quốc gia quy định người nghỉ hưu không phải trả bất kỳ khoản thuế nào.

“Quả bom nổ chậm” 

Trong hai thập kỷ qua, nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí của đất nước luôn là chủ đề tranh luận “nóng”. Tuy nhiên, từ năm 2004, những đề xuất cải cách hệ thống đã bị bác bỏ nhiều lần trong các phiên bỏ phiếu trên toàn quốc. Theo khảo sát trên toàn quốc, có khoảng 74% người dân phản đối tăng độ tuổi nghỉ hưu. Hơn 50% phản đối việc giảm tỷ lệ chuyển đổi giữa các kế hoạch hưu trí. Có 74% muốn tự do lựa chọn quỹ hưu trí của mình và 61% yêu cầu họ cần được trả nhiều hơn từ “trụ cột” thứ hai.

Giáo sư luật bảo hiểm xã hội Thomas Gächter của Đại học Zurich (Thuỵ Sĩ) nhận định: mô hình hệ thống hưu trí chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, chủ sở hữu lao động và người lao động tại Thuỵ Sĩ đã được coi là chuẩn mực cho các quốc gia khác.

Tuy nhiên trong bối cảnh dân số già hoá, nguồn ngân quỹ trong tương lai sẽ không đủ để tài trợ cho tất cả những người nghỉ hưu nếu không có các biện pháp khắc phục ngay từ bây giờ. Nói thẳng ra, hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới giờ chẳng khác nào một “quả bom nổ chậm”. Đây cũng không phải vấn đề của riêng Thuỵ Sĩ mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang phải đối mặt. 

Theo một bài báo trên trang swissinfo.ch trực thuộc Tổng công ty phát thanh truyền hình Thuỵ Sĩ, cho biết rằng bài toán hóc búa nhất để giải quyết vấn đề nêu trên lại đến từ nền dân chủ nước này. “Trụ cột” thứ nhất tức chế độ lương hưu quốc gia (AVS) đã được thông qua trong bối cảnh 80% cử tri toàn quốc bỏ phiếu ủng hộ vào ngày 06/07/1947. Tuy nhiên, chương trình cải cách “AVS 21” của chính phủ đề xuất hiện nay lại không được ủng hộ nhiều đến vậy. 

Nguyên nhân thứ nhất, người trẻ tuổi ở Thuỵ Sĩ là những người có nhiều khả năng ủng hộ chương trình cải cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ khi về già, lại không đi bầu cử, né tránh các cuộc thăm dò. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi hoặc gần đến tuổi nghỉ hưu lại tham gia bầu cử nhiều hơn. Nguyên nhân thứ hai là sự bùng phát của dịch bệnh Civid-19 khiến vấn đề hưu trí của người già trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Không ngạc nhiên khi trong bối cảnh như vậy, người cao tuổi mong muốn quyền lợi của họ được đảm bảo nhiều hơn.

Nguyên nhân lớn thứ ba, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ từ 64 lên 65, tức ngang tuổi nghỉ hưu của đàn ông, đã vấp phải “làn sóng” phản đối mạnh mẽ từ những người ủng hộ và các tổ chức bình đẳng giới. Bởi lẽ, trên thực tế trung bình mức lương hưu hàng tháng của một phụ nữ Thuỵ Sĩ đã ít hơn phần đông nam giới khi về hưu bởi trong suốt độ tuổi lao động của họ, phụ nữ thường nhận mức lương ít hơn đàn ông.

Vì lẽ đó, việc phụ nữ Thuỵ Sĩ được hưởng lương hưu sớm hơn một nam so với nam giới được coi là một đặc ân với nữ giới so với các nước châu Âu khác.  Nếu chế độ hưu trí này thay đổi, Thuỵ Sĩ sẽ khó còn là quốc gia đáng sống khi về già nữa.