Quốc gia đầu tiên cấp “hộ chiếu vaccine”
Theo tin từ Straits Times, Trung Quốc vừa triển khai “chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế”, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp “hộ chiếu vaccine” cho công dân, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm.
Được biết, hệ thống hộ chiếu vaccine đã bắt đầu thành hình ở Trung Quốc dưới dạng ứng dụng miễn phí, được ra mắt trên điện thoại. Cụ thể, “chứng nhận sức khỏe” đi lại quốc tế của Trung Quốc là mã QR hiển thị qua ứng dụng con của WeChat. Khi quét, nó sẽ kết nối đến hồ sơ tiêm vaccine và lịch sử xét nghiệm nCoV của người dùng, được đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Ứng dụng này tương đồng với hệ thống truy vết được giới chức Trung Quốc áp dụng năm ngoái để giám sát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cư dân.
|
(ảnh minh họa). |
Trong khi nhiều chương trình truy vết tại các nước khác từng bị hủy bỏ ngay từ giai đoạn phát triển, hoặc thất bại trong quá trình triển khai. Báo cáo được Quốc hội Anh công bố hôm 10/3 thừa nhận, dự án truy vết quốc gia “không có sức ảnh hưởng rõ rệt và mạnh mẽ” trong việc hạn chế lây nhiễm virus, dù được cấp ngân sách tới 51 tỷ USD trong vòng 2 năm.
Còn hệ thống truy vết của Trung Quốc ghi nhận thành công, vì nó được áp dụng bắt buộc với những người muốn đến nhà hàng hoặc vào thăm các khu chung cư. Hai nền tảng triển khai mã QR là WeChat và Alipay đều rất phổ biến tại Trung Quốc, khiến quá trình triển khai gần như không gặp trở ngại nào.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập tới ứng dụng này trong cuộc họp báo ngày 7/3 vừa qua. Chỉ vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành hướng dẫn tải về chương trình được phát triển trên nền tảng ứng dụng nhắn tin WeChat. Nó được phát triển hoàn toàn độc lập, không có sự đóng góp từ bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào.
Gặp trở ngại và hoài nghi
Được biết, ứng dụng này theo dõi vị trí của người dùng, tạo một mã “xanh” mang nghĩa sức khỏe tốt, có nghĩa rằng người dùng chưa tiếp xúc gần với một ca được xác nhận mắc Covid-19 hoặc chưa từng di chuyển tới các điểm nóng lây nhiễm. Thế nhưng, ứng dụng này cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
Bên cạnh đó, ứng dụng truy vết của Trung Quốc chỉ được thiết kế để hoạt động nội địa và không cần xác minh từ bên ngoài. Trong khi đó, hộ chiếu vaccine sẽ trở thành vô dụng nếu các nước không chấp nhận chúng. Trở ngại dường như không nằm ở hệ thống hộ chiếu, mà liên quan đến ngờ vực về hiệu quả của vaccine Covid-19 của Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao nước ngoài ca ngợi đây là “bước tiến hữu ích”, đánh giá cao việc Trung Quốc đưa ra đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, sự minh bạch dữ liệu thử nghiệm vaccine có thể là rào cản trong quá trình triển khai. Nếu sử dụng chung một loại hộ chiếu, các nước cần biết được vaccine tại những khu vực khác hiệu quả đến đâu. “Sự thiếu minh bạch trong phát triển vaccine có thể khiến các nước lo ngại khả năng bảo đảm miễn dịch của những người tiêm vaccine Trung Quốc”, Yanzhong Huang, chuyên gia y tế thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Hộ chiếu vaccine cũng đòi hỏi các quốc gia công nhận hiệu quả của vaccine do nước khác phát triển, ngay cả khi nước sở tại chưa phê chuẩn loại vaccine này. “Để bắt đầu sự hiểu biết lẫn nhau về vaccine, chúng tôi cần hiểu rõ vaccine của Trung Quốc thực chất là gì. Ngược lại, Trung Quốc có lẽ cũng muốn hiểu tác dụng của loại vaccine mà đất nước chúng tôi đang sử dụng”, bà Irit Ben Abba - Đại sứ Israel tại Trung Quốc chia sẻ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine giữa hai nước trong thời gian tới.
Ben Cowling, chuyên gia dịch bệnh tại Đại học Hong Kong, cho rằng sẽ rất khó để các nước thống nhất về khả năng miễn dịch do sự khác biệt trong hiệu quả của những loại vaccine đang lưu hành hiện nay. Điển hình là vaccine Pfizer được phân phối ở Mỹ và hơn 70 nước có hiệu quả khoảng 95%, trong khi con số này chỉ là hơn 50% với Sinovac của Trung Quốc. “Hiệu quả khác biệt là cản trở riêng với hộ chiếu vaccine, vì ý tưởng xoay quanh nó là ngăn những người nhiễm virus nhập cảnh, ngay cả khi họ chỉ có triệu chứng nhẹ. Quy mô lây nhiễm ở địa điểm xuất phát cũng là một yếu tố cần xem xét”, Cowling nói.
Trung Quốc dự kiến đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine với từng quốc gia trong số 40 nước đã thỏa thuận mua vaccine của họ. Dù vậy, vẫn có những giới hạn về quy mô của chương trình hộ chiếu vaccine nếu chỉ dựa vào các thỏa thuận song phương. “Chúng cần được điều phối ở cấp độ quốc tế thông qua những cơ chế đa phương”, Huang nhận xét, thêm rằng đàm phán song phương sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.
Không phải quốc gia duy nhất
Trung Quốc không phải nước duy nhất theo đuổi hộ chiếu vaccine độc lập. Trước đó, Hãng hàng không Singapore Airlines thông báo sẽ xác thực hồ sơ tiêm vaccine thông qua ứng dụng Thẻ đi lại của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong đó xác nhận tình trạng sức khỏe và tiêm chủng của người sử dụng để khuyến khích di chuyển quốc tế.
JoAnn Tan, Phó chủ tịch Singapore Airlines, cho biết cơ chế này sẽ được áp dụng cho phi công trên những chuyến bay giữa Singapore với London từ ngày 13-28/3 và có thể giúp xây dựng tiêu chuẩn về chứng nhận sức khỏe điện tử cho ngành công nghiệp hàng không. “Nếu thành công với giới phi công, chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án cho phép khách hàng lưu trữ chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19 trên ứng dụng điện thoại SingaporeAir”, phát ngôn viên Singapore Airlines cho hay.
Tương tự, EU trong tháng này dự kiến trình bày các đề xuất về một loại “thẻ đi lại số hóa” cho các công dân EU. Loại thẻ này sẽ xác định cụ thể một người nào đó đã được tiêm vaccine Covid-19 hay chưa, hoặc nếu chưa tiêm thì cũng cung cấp thông tin chi tiết về các kết quả xét nghiệm Covid-19 mới nhất của họ.
Báo Wall Street Journal cho biết các lãnh đạo EU ước tính cần phải mất ba tháng để đưa chương trình “hộ chiếu vaccine” vào hoạt động. “Mục tiêu là dần dà sẽ giúp các công dân EU có thể di chuyển an toàn trong khối hoặc ra nước ngoài làm việc hoặc du lịch”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Trong xu thế ủng hộ “hộ chiếu vaccine” lan rộng tại châu Âu, chính quyền Anh dù ban đầu bác bỏ việc này song tuần trước đã nói đang cân nhắc lợi hại của sáng kiến này. Thực tế, ngày càng có thêm chính phủ các nước ủng hộ ý tưởng cho rằng “hộ chiếu vaccine” hứa hẹn trở thành một trong những công cụ hữu ích làm nền tảng cho quá trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch.
Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến nay vẫn chưa ủng hộ và cũng miễn cưỡng với ý tưởng xây dựng hệ thống hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine, bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, triển khai sáng kiến về hộ chiếu vaccine rất phức tạp, do các nước có quy định khác nhau về hạn chế đi lại, dữ liệu riêng tư cũng như tính hiệu quả của từng loại vaccine đối với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Mỗi một khu vực lại sử dụng hệ thống khác nhau về thu thập, lưu trữ thông tin liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, còn có những lo ngại riêng về tình trạng bất bình đẳng giữa các nước khi thực hiện hộ chiếu vaccine.