Sứ mệnh của tòa án này là xét xử những tội ác chiến tranh ở Kosovo trong thời gian xảy ra cuộc nội chiến ở nơi đây hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Kosovo khi ấy là một phần của Serbia. Mỹ và NATO sau đó phát động cuộc chiến tranh chống quân đội Serbia và hậu thuẫn người Anbani ở Kosovo.
Nhờ sự hậu thuẫn và bảo hộ của Mỹ, NATO và EU, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, tách ra khỏi thực thể nhà nước Serbia. Chính thể mới ở Kosovo được Mỹ và nhiều thành viên EU công nhận.
Về phương diện luật pháp quốc tế, Kosovo là bộ phận của Serbia và Mỹ cùng với EU và NATO đã bất chấp luật pháp quốc tế khi hậu thuẫn và bảo hộ để Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập. Lợi ích chính trị được họ đặt lên trên cả luật pháp quốc tế.
Cái lệ ở đây đối với họ là chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi có lợi và luận giải luật pháp quốc tế theo cách riêng mới có lợi cho họ. Ngay cả việc thành lập Tòa án đặc biệt nói trên lúc đầu cũng được chủ ý khởi xướng nhằm truy tố và trừng phạt những chính khách và cá nhân trong chính quyền Serbia có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Kosovo.
Bây giờ, tòa án này truy tố những người khi xưa được Mỹ, EU và NATO hậu thuẫn để Kosovo ly khai Serbia. Tòa án đã được thành lập thì cũng được coi là được luật pháp ủy thác để xét xử nhưng bị cáo trong vụ việc này không phải người dân bình thường mà lại là những người có được quyền lực nhờ việc lệ lật luật khi xưa. Chỉ riêng việc những người này bị tòa án đặc biệt kia truy tố không thôi cũng đã đủ để lật ngược lại chuyện lệ lật luật năm xưa.
Trong thế giới luật pháp và tư pháp không thể có chuyện dùng cái vô lý này để biện minh cho cái vô lý khác, dùng sai phạm này để hợp pháp hóa sai phạm khác. Mỹ, EU và NATO hiện bị đẩy vào tình thế khó xử. Họ không thể sử dụng chính trị để can thiệp và chi phối hoạt động của tòa án giống như đã dùng chính trị để lấn át luật trước đây và sử dụng toà án này phục vụ lợi ích chính trị ở Kosovo.
Tòa án này bây giờ lại có thể gây tổn hại đến lợi ích và mưu tính chính trị của họ ở Kosovo. Mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo rất phức tạp và trắc trở trên nhiều phương diện. Mỹ, EU và NATO hối thúc 2 bên hòa giải với nhau bởi chỉ khi hoà giải mà cốt lõi là Serbia công nhận Kosovo là nhà nước độc lập, có chủ quyền, thì EU và NATO mới có thể kết nạp Kosovo vào hàng ngũ thành viên và EU mới chấp nhận thu nạp Serbia.
Sau khi cả EU lẫn Liên hợp quốc đều thất bại với vai trò trung gian hòa giải giữa Serbia và Kosovo, Mỹ đứng ra đảm nhận vai trò ấy và đã đạt được thành quả nhất định. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời lãnh đạo Serbia và Kosovo sang Mỹ gặp gỡ ngày 27/6/2020, nhưng rồi vì chuyện truy tố này mà sự kiện ấy bị hoãn lại vô thời hạn.
Luật pháp trong hình hài của Tòa án đặc biệt kia đã chẳng khác gì hủy hoại cuộc chơi chính trị của các bên liên quan đến Serbia và Kosovo. Sau hơn hai thập kỷ, luật và lệ đảo ngược vị trí và vai trò trong cuộc đấu trực diện với nhau ở Kosovo và liên quan đến Kosovo. Hệ lụy của sự đảo ngược này hiện chưa thể lường hết được về chính trị cũng như pháp lý và tư pháp. Quá khứ không chỉ phủ bóng mà còn tác động tới tương lai của mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo.