Hội đồng này là thể chế đa phương duy nhất cho đến nay được thành lập chuyên cho khu vực Bắc Cực, bao gồm những thành viên là các quốc gia giáp ranh với vùng Bắc Cực là Mỹ, Canada, Nga, Iceland, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch. Hội đồng này được thành lập năm 1996 và Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên gặp nhau định kỳ 2 năm/lần tại nước thành viên đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên. Sau Iceland sẽ đến lượt Nga đảm nhận trách nhiệm này.
Hội đồng Bắc Cực đảm trách trên thực tế việc quản lý Bắc Cực trong khi Liên Hợp quốc có nhiều Công ước hay Hiệp ước có hiệu lực cả ở nơi băng giá hoang vu này nhưng không xác nhận chủ quyền cho bất cứ ai. Bắc Cực giống như Nam Cực, xưa nay vốn không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, nhưng lại bị không ít quốc gia tranh giành hay đòi hỏi chủ quyền.
Ở thời trước, vấn đề áp dụng luật nào cho Bắc Cực đã được đặt ra nhưng không thời sự trên thế giới bởi nơi băng giá tưởng như vĩnh cửu cho dù giàu tài nguyên nhưng điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và không phù hợp với sự sống, không mấy ai trên thế giới có đủ năng lực về khoa học, kỹ thuật công nghệ và tài chính để chinh phục và chế ngự Bắc Cực.
Về pháp lý quốc tế, Bắc Cực thuộc phạm vi hiệu lực của nhiều Công ước và Hiệp ước được Liên Hợp quốc thông qua nhưng vẫn bị trống vắng trên phương diện nơi này cụ thể thuộc về ai.
Vì theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực thuộc về cả thế giới chứ không phải là thuộc về riêng ai nên bi kịch số phận của Bắc Cực lại là luật không bằng lệ, mà cái lệ ở đây là thỏa hiệp và tranh chấp giữa những quốc gia giáp ranh với vùng Bắc Cực này. Vùng này thuộc về cả thế giới, tức là của chung theo cách hiểu của luật pháp quốc tế, nhưng đại đa số các nước trên thế giới ở xa vùng Bắc Cực và nếu có muốn cũng không có đủ năng lực trên thực tế về mọi phương diện để thực hiện các quyền chính đáng của họ ở Bắc Cực.
Họ phản đối hoặc không đồng tình với cái lệ mà các nước giáp ranh vùng Bắc Cực tự định ra với nhau để cùng chiếm Bắc Cực làm của riêng, nhưng trên thực tế lại không thể đẩy lùi được cái lệ này.
Các nước giáp ranh với Bắc Cực tuy nhất trí với nhau về việc “dùng lệ lấn luật” nhưng trong khuôn khổ cái lệ ấy lại xâu xé lẫn nhau để giành về vũng lãnh thổ lớn nhất ở Bắc Cực cho chính mình.
Bắc Cực như thế nào thì Nam Cực cũng đang như thế hoặc rồi đây cũng sẽ như thế. Cả ở Nam Cực cũng có tình trạng lộn xộn giữa luật và lệ như có thể thấy ở Bắc Cực. Biến đổi khí hậu trên trái đất làm cho băng giá tưởng vĩnh cửu ở vùng Bắc Cực và Nam Cực dần tan.
Hệ lụy của diễn biến này là những tuyến đường hàng hải mới hình thành trực tiếp xuyên qua Bắc Cực và Nam Cực cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở hai nơi này bắt đầu có thể được khai thác. Vì thế, Bắc Cực và Nam Cực trở thành đối tượng tranh chấp ngày càng thêm quyết liệt giữa các nước giáp ranh hai thái cực này, nhưng đồng thời cũng còn giữa các nước giáp ranh này với nhiều nước khác không giáp ranh.
Vì thế, đòi hỏi về phân định rõ ràng trên phương diện pháp lý quốc tế chủ quyền đối với Bắc Cực và Nam Cực sẽ trở nên ngày càng thêm cấp thiết. Trên thực tế, ngay từ hiện tại chứ không phải trong tương lai xa hay gần, vấn đề mà thế giới phải giải quyết càng nhanh chóng càng tốt là phải dùng luật pháp quốc tế của cả thế giới để chế tài cái lệ đã định hình giữa vài quốc gia trên thế giới với nhau ở vùng Bắc Cực cũng như Nam Cực.