Mốc son "Ngày châu Âu"

(PLVN) - Ngày 9/5/1950 được Liên minh châu Âu (EU) coi là “ngày khai sinh” của liên minh. Vì EU không chính thức ra đời vào ngày ấy nên EU dùng một danh từ khác để thể hiện hàm ý là ‘Ngày châu Âu’. Năm nay là kỷ niệm tròn 70 năm Ngày châu Âu đáng nhớ ấy...
Mốc son "Ngày châu Âu"

Hàm ý ấy cụ thể là thời điểm bắt đầu quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục. Ngày hôm ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman đưa ra ý tưởng về đặt ngành công nghiệp than, thép của Pháp và Đức dưới sự quản lý và điều hành chung, tuy là song phương nhưng mở cửa cho các nước châu Âu khác tham gia.

Khi ấy là 5 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai mà trong đó Đức và Pháp ở hai bên của chiến tuyến. Cách đấy mấy thập kỷ, cũng nước Đức gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và hai nước này cũng ở hai phe đối địch nhau.

Châu Âu hai lần xảy ra chiến tranh, hai lần bị phân chia, ông Schuman cho rằng chỉ hợp tác và liên kết với nhau thì mới có thể hóa giải và hòa giải thật sự, khắc phục được tình trạng phân cách và chia rẽ trên châu lục, nếu như có thể gây dựng được việc cùng phát triển và thịnh vượng nữa thì mới có thể chấm dứt được hoàn toàn nguy cơ chiến tranh lại bùng phát.

Ý tưởng này của ông Schuman tạo ra nền tảng chung cho sự ra đời của những tổ chức và thể chế hợp tác và liên kết khu vực ở Tây Âu, trước hết là Cộng đồng Than - Thép châu Âu, Cộng đồng Nguyên tử châu Âu và Cộng đồng Phòng thủ châu Âu. Rồi theo thời gian, quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục tiến triển với sự ra đời của các cấp độ và hình thức mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Từ Cộng đồng châu Âu (EC) phát triển thành Liên minh châu Âu (EU). Về cơ bản, quá trình hình thành và phát triển của EU trong 70 năm qua được coi là thành công và là mô hình, khuôn mẫu cho hợp tác, liên kết khu vực và nhất thể hóa châu lục cho mọi nơi khác trên thế giới. Nhìn nhận như thế mới thấy được hết tầm vóc và ý nghĩa to lớn của ý tưởng của ông Schuman đối với lịch sử châu Âu từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay.

Chỉ có điều là hiện tại EU ở trong tình thế đầy khó khăn và nhiều khó xử nên phải kỷ niệm thời khắc ra đời với suy ngẫm về tương lai từ chiêm nghiệm thực tế quá khứ lịch sử nhiều hơn là chỉ có với vui mừng phấn khởi. Sau 70 năm kể từ khi có ý tưởng nói trên, EU phải chứng kiến có thành viên đầu tiên ly khai. Nước Anh quyết định ra khỏi EU sau hơn 40 năm đứng ở trong hàng ngũ của EU.

Cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn và nhập cư vẫn dai dẳng bám giữ EU. Sự trỗi dậy của các lực lượng dân tuý và dân tộc chủ nghĩa vẫn là nỗi nhức nhối lớn đối với EU. Chưa khi nào kể từ khi ra đời đến nay, nội bộ EU lại trong tình cảnh rệu rã và phân hóa như hiện tại. Trên thực tế, EU hiện chưa tìm ra được đối sách thích hợp trong việc xử lý quan hệ với 3 đối tác quan trọng nhất này. Trong bối cảnh tình hình như thế, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra thật sự chẳng khác gì “hoạ vô đơn chí” đối với EU.

Châu Âu hiện là một trong những tâm điểm dịch bệnh trên thế giới. Dịch bệnh đã huỷ hoại không ít thành quả phát triển quan trọng mà EU đã đạt được cho đến nay. Chưa biết đến khi nào EU mới thoát được ra khỏi dịch bệnh này. Có thể thấy được rất rõ là những khó khăn và thách thức nói trên đã và đang tiếp tục làm cho EU bị suy yếu trên nhiều phương diện.

Cũng chính vì thế mà vào dịp kỷ niệm 70 năm ‘Ngày châu Âu’ này, EU cần tìm lại những động lực phát triển trong quá khứ lịch sử để gây dựng tương lai. Phải tìm lại giá trị của ý tưởng xưa thì EU mới có thể tạo dựng nên được mẫu số lợi ích chung cho thời mới, mới có thể có lại được sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động cần thiết cho việc vượt qua mọi khó khăn và thách thức hiện tại để vươn tới tương lai chung. EU đã nhiều lần tự chứng tỏ là có đủ khả năng làm chủ vận mệnh và tương lai của mình khi nó thực sự muốn như vậy và có được quyết tâm như vậy.