Ngừng chiến tránh quá đà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 11 ngày giao tranh vũ trang ác liệt với nhau, Israel và Hamas đã thoả thuận ngừng bắn và đương nhiên là bên nào cũng nhận rằng vì đã đạt được mục tiêu đề ra thì mới chấp nhận ngừng bắn. 
Hiện trường đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, dải Gaza, ngày 19/5.
Hiện trường đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, dải Gaza, ngày 19/5.

Trên thực tế, lần giao tranh này giữa Israel và Hamas về thời gian thì ngắn hơn 3 lần trước đấy nhưng về mức độ lại khốc liệt hơn. Không khó khăn gì để nhìn thấy Israel đã hủy hoại rất đáng kể tiềm lực quân sự của Hamas ở dải Gaza, nhưng phía Hamas cũng đã khiến cho Israel không thể không lo ngại về tiềm lực quân sự của họ, đặc biệt về chiến thuật phóng tên lửa ồ ạt đồng thời vào lãnh thổ của Israel, chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.

Với thoả thuận ngừng bắn này, cả hai phía đều chủ ý dừng lại trước khi bước quá đà. Hamas vốn không phải là đối thủ quân sự của Israel nhưng đã đạt được mục tiêu chính trị với lần chiến sự này với Israel, đề cao được vị thế và ảnh hưởng trong nội bộ Palestine và nổi trội hơn hẳn phe Fatah.

Chiến sự lần này giữa Israel và Hamas còn làm cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine lại trở nên thời sự trên thế giới và buộc các nước Ả-rập phải nhìn nhận lại mối quan hệ của họ với Israel và làm sống trở lại tình đoàn kết cũng như sự ủng hộ dành cho Palestine.

Israel cũng phải chấp nhận ngừng chiến bởi nếu cứ tiếp tục gia tăng chiến sự thì không thể biện bạch hành động quân sự bằng lập luận về phòng thủ và tự vệ mà cuộc chiến tranh này sẽ mang tính chất khác.

Dù muốn hay không thì Israel cũng không thể không thấy chính quyền mới ở Mỹ với tân Tổng thống Joe Biden không hậu thuẫn Israel tiếp tục chiến tranh mà đã công khai yêu cầu phía Israel giảm chiến sự và đi vào ngừng chiến. Sức ép này từ phía Mỹ là một trong những nhân tố rất quyết định thúc ép phía Israel phải đi vào ngừng chiến với Hamas. 

Ngoài ra, nếu cứ tiếp tục chiến tranh với Hamas thì Israel sẽ đẩy đồng minh ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông, đặc biệt là Mỹ, EU, NATO và những quốc gia Ả-rập mới đây thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel vào tình thế rất khó xử về đối ngoại. Israel bị bất lợi như thế nào thì Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được lợi như thế ấy. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không bỏ lỡ dịp này để công kích cả Israel lẫn Mỹ nhằm đề cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Hồi giáo. 

Israel và Hamas đã cùng chọn điểm dừng xung đột vào lúc có lợi nhất cho mình hoặc cũng không bắt đầu chuyển từ lợi sang hại. Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đã đủ để cho thấy hòa dịu hiện tại ở Trung Đông khó lâu bền mà chắc chắn chỉ là khoảng lặng giữa hai cơn bão. Cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine tiếp tục dai dẳng và quyết liệt.