Câu ngạn ngữ “Phép vua thua lệ làng” có từ rất lâu rồi và phản ánh một trong những thực trạng khá phổ biến của mối quan hệ giữa luật và lệ, giữa luật pháp của chính quyền nhà nước với tập tục hoặc thực quyền hành pháp ở các cấp tổ chức chính quyền thấp hơn.
Hiện tại, câu ngạn ngữ này lại có thể thấy được là đang rất ứng ở nước Mỹ, cụ thể là giữa quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và quyền hành của Thống đốc các bang. Nước Mỹ hiện là một trong những tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc và rồi rất nhanh chóng lây lan sang Mỹ và châu Âu. Có thể nói là mức độ hoành hành của dịch bệnh này ở Trung Quốc chưa là gì so với mức độ hoành hành của nó vào thời điểm hiện tại ở Mỹ và châu Âu, cả hai nơi này đỉnh điểm của dịch bệnh vẫn còn ở phía trước.
Để đối phó với dịch bệnh, nhiều biện pháp khẩn cấp quyết liệt đã được chính phủ các nước và chính quyền các vùng lãnh thổ thực hiện. Một trong những hệ lụy trực tiếp nhãn tiền của các biện pháp chính sách ấy là hoạt động kinh tế bị trì trệ. Vì thế, ở các nơi đang có xu hướng dần nới lỏng mức độ các biện pháp chính sách cấp thiết ấy. Ở những quốc gia tổ chức hệ thống chính quyền nhà nước theo mô hình liên bang như nước Mỹ hay nước Đức thì câu hỏi được đặt ra ở đây là ai có quyền hành cao nhất và quyết định nhất đối với việc nới lỏng dần những biện pháp chính sách khẩn cấp đã được áp dụng.
Phép vua ở đây là quyết định của chính quyền trung ương. Ông Trump còn đi xa hơn cả mọi quy định của hiến pháp hiện hành khi tuyên bố có toàn quyền và có quyền hành tuyệt đối. Cụ thể hơn ở đây có nghĩa là ông Trump quyết như thế nào thì sẽ phải được thực hiện như thế ở trên khắp nước Mỹ. Vấn đề ở chỗ ông Trump muốn nới lỏng các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng để hoạt động kinh tế được phục hồi trong khi dịch bệnh vẫn chưa chững lại thôi chứ không nói đến là đã được đẩy lùi. Số lượng người Mỹ bị mắc dịch bệnh và bị thiệt mạng tiếp tục tăng mạnh. Nếu nới lỏng các biện pháp đối phó thì thiệt hại về con người mà dịch bệnh này gây ra cho dân Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng cao. Rõ ràng là ông Trump coi trọng việc phục hồi hoạt động kinh tế hơn việc không để cho dịch bệnh tiếp tục gây hại trực tiếp đến sinh mệnh của người dân ở Mỹ.
Lệ làng ở đây là biện pháp chính sách của các bang. Chính quyền các bang không phải không có nhu cầu về nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế như ông Trump nhưng lại còn có trách nhiệm không để cho dịch bệnh tiếp tục lây lan và hoành hành, mà muốn đạt được mục đích ấy thì không thể không tiếp tục duy trì thêm một thời gian ngắn nữa các biện pháp chính sách khẩn cấp đang được áp dụng.
Ở trong phạm vi bang thì chính quyền bang mới có thực quyền chứ không phải ông Trump. Chính quyền trung ương có thể sử dụng những nguồn tài lực, nhân lực và vật lực của quốc gia để trợ giúp hoặc không trợ giúp bang, nhưng lại không thể ép buộc chính quyền các bang phải làm thế này hay làm thế khác. Cho nên nhiều thống đốc bang ở Mỹ tuyên bố thẳng thừng là sẽ không tuân thủ quyết sách hay mệnh lệnh của ông Trump về nới lỏng các biện pháp khẩn cấp đang được áp dụng. Họ liên thủ với nhau để cùng “chống lệnh” cho dù thuộc các đảng phái chính trị khác nhau. Ở đây, họ theo lệ làng chứ không theo phép vua.
Vì cũng đã nhanh chóng thấy rằng phép vua của mình không thể thắng nổi lệ làng ở các bang nên ông Trump đã nhanh chóng “cài số lùi”. Ông Trump xuê xoa bằng phát biểu công nhận quyền tự quyết và tự chủ của các bang. Nhưng để gỡ gạc thể diện và uy danh, ông Trump đưa ra lộ trình 3 bước về nới lỏng các biện pháp khẩn cấp hiện tại. Nhưng có vẻ như đến lúc này, việc các bang có nghe theo ông Trump chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi.