Chính phủ Trung Quốc đã phản đối rất mạnh mẽ khi thấy ông Trump không dùng quyền hạn của Tổng thống để phủ quyết bộ luật này. Cho nên không có gì là khó hiểu khi phía Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa quyết liệt nếu ông Trump thực hiện bộ luật này.
Với bộ luật mới, Quốc hội Mỹ gây và gia tăng áp lực mạnh mẽ tới Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong liên quan đến những gì xảy ra từ hơn 5 tháng nay ở đặc khu hành chính này. Mục tiêu mà Quốc hội Mỹ theo đuổi với bộ luật này là thúc ép Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong giải quyết vụ việc bằng giải pháp chính trị và đối thoại với những người biểu tình, phản đối.
Giống như những bộ luật khác ở Mỹ, bộ luật này ràng buộc Chính phủ Mỹ có biện pháp trừng phạt cá nhân, cơ quan và tổ chức đã vi phạm dân chủ và nhân quyền theo cách hiểu của phía Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc). Có thể thấy được ở đó là Quốc hội Mỹ dùng bộ luật này để định hướng cho chính sách và hành động của chính phủ đối với Trung Quốc.
Trung Quốc coi những gì đang xảy ra ở Hong Kong và cách thức Trung Quốc xử lý chuyện này là công việc nội bộ nên đương nhiên nhìn nhận việc Quốc hội Mỹ dùng luật để gây sức ép, buộc phải hành xử như thế nào là sự can thiệp của Mỹ vào công chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Cho nên ở đây không chỉ có vấn đề thể diện quốc gia mà còn vấn đề tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa hai nước nói riêng và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói chung, tất cả đều là những gì mà phía Trung Quốc không thể chấp nhận được.
Vì thế, mối quan hệ giữa hai nước này có thêm trắc trở mới trong khi nhiều mâu thuẫn dai dẳng vẫn chưa được khắc phục. Đàm phán thương mại song phương tuy thỉnh thoảng vẫn được diễn ra, cả hai bên tỏ ra lạc quan nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đâu vào đâu. Hai bên hiện “găng” với nhau về vấn đề Đài Loan và về hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Ở tầm chiến lược lâu dài, hai bên đang cạnh tranh nhau rất quyết liệt về vị thế và vai trò, sức mạnh và ảnh hưởng hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21. Với bộ luật mới này, Quốc hội Mỹ đâu có khác gì đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích hiện vốn đã cháy lớn giữa hai bên.
Ông Trump giờ ở trong tình thế vừa phải xử lý ổn thoả quan hệ của Mỹ với Trung Quốc vừa phải không làm mếch lòng Quốc hội trong chuyện này. Ông Trump có quyền phủ quyết bộ luật kia nhưng không dám sử dụng quyền này, bởi có sử dụng nó thì cũng chẳng ích gì khi cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đều đồng tình nhất trí như thế để thông qua bộ luật này thì đâu có khó khăn để có được đa số ít nhất hai phần ba cần thiết để vô hiệu hoá quyền phủ quyết của ông Trump.
Cho nên, ông Trump không có sự lựa chọn nào khác ngoài ký ban hành bộ luật và sẽ dùng cách thức vận dụng để vừa tránh được tiếng là không tuân thủ ý chí của Quốc hội vừa kiểm soát được thiệt hại trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện tại, ông Trump không có nhu cầu dùng bộ luật mới này chơi sát ván với Trung Quốc, nhưng sẽ dùng nó làm công cụ và phương cách răn đe Trung Quốc.
Sự can thiệp của Mỹ vào chuyện ở Hong Kong sẽ được những người chống đối Chính phủ Trung Quốc và Chính quyền Hong Kong coi là sự hậu thuẫn về chính trị và tinh thần rất quan trọng, chẳng khác gì khích lệ họ tiếp tục và kiên định chống đối.
Những khúc mắc khác giữa hai bên cũng vì thế mà trở nên khó khắc phục hơn, hoặc nếu có được thì cũng chỉ có hiệu ứng nhất thời và hạn chế. Tới đây, nếu như hai bên có đạt được thoả thuận thương mại mới thì cũng chỉ là một kiểu giải pháp như thế. Trung Quốc hiện vừa phải phản ứng quyết liệt với Mỹ, vừa phải thúc đẩy đàm phán thương mại, vừa phải tính những đối sách mới và vừa phải nhanh chóng bình ổn tình hình ở Hong Kong.