Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản: Nhận thức và định hướng mới

(PLVN) - Cuốn Sách trắng quốc phòng năm nay của Nhật Bản được thế giới bên ngoài để ý đến nhiều hơn hẳn bởi trong đó thể hiện nhìn nhận mới của Chính phủ Nhật Bản về Đài Loan (Trung Quốc) và định hướng chiến lược mới cho quan hệ này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi giới thiệu sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 13/7. (Nguồn: Kyodo).

Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng quan hệ hợp tác trên các phương diện khác khá đầy đủ và phát triển. Cho nên khi cuốn Sách trắng này đề cập nhiều hơn và mới lạ so với trước về chính trị an ninh thì thế giới bên ngoài không thể không lưu tâm đến.

Mọi chuyện đối với Đài Loan đều liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện không được êm thấm và đặc biệt là Nhật Bản bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nên luôn trong tình trạng cảm nhận bị Trung Quốc thách thức về kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ đồng thời với bị đe doạ về an ninh. Quan hệ với Đài Loan vì thế luôn rất nhạy cảm về chính trị đối ngoại, đặc biệt đối với Trung Quốc.

Cho tới nay, Nhật Bản luôn rất thận trọng và kiềm chế trong việc thúc đẩy quan hệ với Đài Loan, luôn theo hướng vừa không để Trung Quốc cảm nhận bị khiêu khích, bất chấp và làm mất mặt, lại vừa để ngỏ khả năng sử dụng Đài Loan làm con chủ bài trong xử lý quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc.

Trong cuốn Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật Bản đã đi xa hơn hẳn so với trước đấy ở phần liên quan đến Đài Loan. Ở đó thể hiện rất rõ nhận thức mới là coi diễn biến tình hình chính trị an ninh ở khu vực xung quanh Đài Loan, đặc biệt ở Eo biển Đài Loan, chủ yếu giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ trên thực địa, tác động trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải theo dõi và ứng phó như theo dõi và ứng phó khủng hoảng trực tiếp đối với Nhật Bản.

Ở đây ẩn hiện lo ngại của Nhật Bản là Trung Quốc có thể lợi dụng việc gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và giằng co với Mỹ để gây sức ép trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản. Ở đây cũng còn ẩn hiện chủ ý của Nhật Bản về khuấy động mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan để thời sự hóa chuyện bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Nhận thức mới đưa đến định hướng chiến lược mới là biểu lộ chủ ý kề vai sát cánh với Đài Loan trong việc đối phó mối đe doạ quân sự từ phía Trung Quốc. Trên phương diện này, Nhật Bản vừa cùng hội cùng thuyền với Mỹ, vừa dựa vào cam kết của Mỹ bảo vệ an ninh cho Nhật Bản và Đài Loan.

Với nhận thức và định hướng mới nói trên, chính quyền hiện tại ở Nhật Bản đã tiến xa hơn trong quan hệ với Đài Loan bất chấp rủi ro là quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc khó tránh khỏi thêm trắc trở, căng thẳng và gay cấn.