Dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rus corona gây ra đẩy cả thế giới vào tình trạng bị đe dọarất đặc biệt và vì thế buộc chính phủ các quốc gia và chính quyền các vùng lãnh thổ phải có những quyết sách đặc biệt để đối phó. Tình huống đặc biệt đòi hỏi phải có đối sách đặc biệt. Và câu hỏi được đặt ra đồng thời ở đây là đối sách ấy được hợp pháp hóa như thế nào, theo cách nào và đến mức độ nào?
Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, thời cuộc mới xuất hiện đã chi phối cả luật lẫn lệ. Có thể thấy được rõ nhất và thời sự nhất tình trạng này qua sự biến động trong mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp ở Hungary Hungary là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO, tức là bị ràng buộc vào hệ quy chiếu chung về giá trị, dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền của EU và NATO. So với các thành viên EU và NATO khác ở châu Âu, Hungary ít bị dịch bệnh này tác động và gây tổn hại hơn.
Vậy nhưng Hungary lại là thành viên đầu tiên của EU và NATO có chuyện quốc hội trao cho chính phủ gần như mọi quyền hạn để có thể trong việc đối phó dịch bệnh. Thủ tướng nước này là ông Viktor Orban không những có thể cầm quyền bằng pháp lệnh và quyết định của chính phủ chứ không cần đến luật phải được thông qua trong quốc hội, mà còn có thể cầm quyền như thế vô thời hạn. Quốc hội Hungary cho rằng chính phủ phải được tăng quyền hạn để ứng phó thật sự hiệu quả với dịch bệnh trong khi EU và NATO lại coi đấy là việc tạo cơ sở pháp lý và sự hợp pháp hoá cho chính phủ chuyên quyền và thậm chí có thể cả độc tài.
Thời cuộc ở đây là tình thế mới dưới tác động của dịch bệnh. Thời cuộc này chi phối luật ở chỗ nó định hướng cho luật pháp phải theo, cụ thể là phải trao quyền hạn sâu rộng hơn cho phía hành pháp, phải tự từ bỏ những quyền hạn bẩm sinh của nó là lập pháp và kiểm soát hành pháp. Thời cuộc này chi phối lệ ở đây là chính phủ thực thi những quyết sách động chạm đến cả không ít điều cấm kỵ ghi rõ trong luật như những quyền cơ bản của người dân, như quyền tự do ngôn luận và báo chí...
Việc thời cuộc chi phối luật và lệ như thế nào ở Hungary còn có thể thấy được ở phản ứng từ phía Uỷ ban EU. Liên minh châu Âu đã cảnh báo các thành viên nói chung và Hungary nói riêng là những biện pháp chính sách khẩn cấp nhằm đối phó dịch bệnh không được hủy hoại hay bất chấp các tiêu chí, tiêu chuẩn và nguyên tắc của nền dân chủ và nhà nước pháp quyền.
Điều khiến EU lo ngại ở việc Quốc hội Hungary trao mọi quyền hành như thế cho chính phủ của ông Orban còn là chuyện thời gian hiệu lực không bị hạn chế. Cho nên EU yêu cầu phải có “sự thích hợp về mức độ và sự hạn chế về thời gian trao những quyền đặc biệt này”. Trong gần 10 năm cầm quyền ở Hungary đến nay, ông Orban luôn là một trong những nhà lãnh đạo khiến EU bị đau đầu bởi những quan điểm chính sách dân tộc chủ nghĩa và dân túy trái ngược với quan điểm chung của EU. Xưa nay, EU luôn giương cao ngọn cờ và đi đầu trong chuyện chống những thể chế mà EU coi là độc tài, luôn đề cao cơ chế tam quyền phân lập và coi đấy là biểu trưng cho mô hình nhà nước và xã hội dân chủ mà EU coi là dân chủ thật sự và nhà nước pháp quyền thật sự.
Trước dịch bệnh này, EU đã có không thiếu lý do để lo ngại sâu sắc về Hungary. Bây giờ, EU càng thêm lo ngại khi những động thái gần đây của Hungary đã được hợp pháp hóa dưới vỏ bọc là nhu cầu ứng phó dịch bệnh. Thời cuộc lần này chi phối luật và lệ được thì từ tiền lệ đến thông lệ đâu có khó khăn và xa xôi gì.