Tổng thống Mỹ Trump “bên bờ vực” bị luận tội

(PLVN) - Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ hôm 13/12 vừa qua đã đẩy Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa tới “bờ vực” với việc biểu quyết thông qua 2 điều khoản để luận tội ông Trump về những cáo buộc tìm cách gây áp lực để Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông là cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Trump “bên bờ vực” bị luận tội

2 bản luận tội đáng chú ý

Hai bản luận tội ông Trump đã được Ủy ban tư pháp của Hạ viện Mỹ thông qua với ủng hộ của 23 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và sự phản đối của 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Ủy ban này. Hai bản luận tội vừa được Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ thông qua cáo buộc Tổng thống Trump lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội điều tra luận tội.

Cụ thể, ông Trump bị cáo buộc đã sử dụng quyền lực của cơ quan công quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân không phù hợp, trong khi phớt lờ hoặc làm tổn hại lợi ích quốc gia bằng cách gây áp lực buộc Ukraine phải can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Cáo trạng lạm dụng quyền lực chống lại ông Trump cũng cáo buộc ông đã đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine và đề nghị tổ chức một cuộc gặp tại Nhà Trắng để gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine công bố sẽ tiến hành điều tra ông Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.

Ông Trump còn đòi Ukraine điều tra giả thuyết rằng chính Ukraine, chứ không phải Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 của Mỹ. Cùng với đó, bản luận tội cũng cáo buộc, khi bị phát hiện nỗ lực trên, khi Hạ viện Mỹ mở một cuộc điều tra luận tội, Tổng thống Trump đã nhất quyết và rõ ràng chống lại các thủ tục điều tra luận tội một cách bừa bãi “chưa từng thấy”, và qua đó cản trở Quốc hội.

Điều khoản cản trở công lý này được đưa ra dựa trên việc ông Trump đã chỉ thị các quan chức cấp cao đương nhiệm cũng như các cựu quan chức trong chính phủ của ông, như Ngoại trưởng Mike Pompeo, không hợp tác với cuộc điều tra luận tội.

Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra 2 ngày sau khi Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ tổ chức cuộc điều trần về các điều khoản luận tội. Tại phiên điều trần, Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump là một mối nguy đối với hiến pháp Mỹ, phương hại tới an ninh toàn cầu và tìm cách phá hoại tính cách chính đáng của cuộc bầu cử năm 2020 khi ông trong cuộc điện đàm hôm cuối tháng 7 vừa qua đã gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra ông Joe Biden.

Theo dự kiến, sau buổi điều trần này, các nghị sĩ thuộc Ủy ban sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc có tiến hành luận tội Tổng thống Trump vào ngày 12/12 hay không.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler đã bất ngờ dừng phiên điều trần và không tiến hành bỏ phiếu với lý do ông muốn các nghị sĩ có thêm thời gian để xem xét về bằng chứng chống lại nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Mary Gay Scanlon cho biết, ông Nadler quyết định dời cuộc bỏ phiếu sang ngày 13/12 để có thêm nhiều người Mỹ chứng kiến hơn. “Hôm nay là một ngày trang trọng và đáng buồn. Lần thứ 3 trong hơn một thế kỷ rưỡi, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu về điều khoản luận tội chống lại Tổng thống”, ông Nadler (thành viên Đảng Dân chủ) tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.

Tổng thống thứ 3 bị luận tội

Ông Trump dự kiến sẽ trở thành Tổng thống thứ 3 của Mỹ bị luận tội khi toàn thể Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm đa số sẽ bỏ phiếu đối với 2 bản luận tội trên. Theo các nguồn tin, phiên bỏ phiếu dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/12 và nhiều khả năng Hạ viện Mỹ sẽ thông qua việc luận tội tổng thống Mỹ.

Nếu bị luận tội, ông Trump sẽ đối mặt với phiên tòa tại Thượng viện vào tháng 1 năm tới, giữa lúc chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 bắt đầu tăng tốc trước khi đợt bỏ phiếu được tổ chức vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, nguy cơ ông bị truất phế, mất chức Tổng thống được đánh giá là “gần bằng 0” bởi ông Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Việc này được cho là khó có thể xảy ra khi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở viện này.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ bỏ phiếu với 2 bản luận tội ông Trump

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ bỏ phiếu với 2 bản luận tội ông Trump

Trước ông Trump, Tổng thống Bill Clinton của Đảng Dân chủ bị luận tội vào năm 1998 vì đã khai man về bê bối tình cảm với một nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng nhưng ông Clinton sau đó đã được tha bổng tại Thượng viện. Năm 1868, Tổng thống Andrew Johnson, cũng thuộc Đảng Dân chủ, đã bị luận tội vào nhưng ông cũng không bị kết án tại Thượng viện. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từ chức trước khi ông có thể bị luận tội.

Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội ông Trump từ hồi tháng 9 vừa qua, sau khi nhận đơn tố giác của một người giấu tên. Cuộc điều tra luận tội ông do đảng Dân chủ tiến hành bắt nguồn từ cáo buộc ông Trump trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine đã gây sức ép với nhà lãnh đạo Ukraine để điều tra gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ chính trị tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban tư pháp Hạ viện, ông Trump tuyên bố ông không ngại dính vào phiên toà kéo dài tại Thượng viện. “Luận tội là một trò lừa bịp. Đó là một sự giả tạo”, ông Trump tuyên bố và tái khẳng định bản thân không làm gì sai. “Sử dụng sức mạnh luận tội cho điều vô nghĩa này là một sự xấu hổ cho đất nước”, ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết rất muốn biết mặt “người thổi còi” đã khơi ra cuộc điều tra luận tội này. Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cũng cho biết ông Trump đã chuẩn bị mọi tình huống tại Thượng viện. “Rõ ràng tổng thống đã không làm gì sai và Hạ viện nên từ bỏ toàn bộ câu chuyện vô lý này. Tuy nhiên, tổng thống cũng đã sẵn sàng cho tất cả mọi chuyện tại Thượng viện”, ông Gidley nói.

Trước phiên bỏ phiếu của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, ban đầu, ông Trump tuyên bố phiên xét xử ông tại Thượng viện sẽ là cơ hội để ông tự bảo vệ bản thân trước Đảng Dân chủ. Vì vậy, ông nói rằng ông muốn một phiên điều trần dài để loại bỏ tất cả các trở ngại đối với nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, đến nay, ông Trump đang để ngỏ khả năng về một phiên luận tội ngắn hơn tại Thượng viện.

Quan điểm mới này của ông Trump cũng trùng khớp với quan điểm của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Ngoài ra, ông McConnelll (một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa) cũng để ngỏ lựa chọn đơn giản hơn là bỏ phiếu về các điều khoản luận tội tổng thống mà không cần nghe các nhân chứng.