Tranh cãi xung quanh vụ Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ từ chức

(PLVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong tuần qua đã chấp nhận đơn từ chức do quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly ngày 7/4 đệ trình cùng ngày. Vụ việc diễn ra chỉ một ngày sau khi một đoạn ghi âm cho thấy ông Modly trong bài phát biểu trước thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gọi chỉ huy của tàu vừa bị cách chức là “ngu ngốc”.
Việc ông Thomas Modly đã gây ra tranh cãi lớn
Việc ông Thomas Modly đã gây ra tranh cãi lớn

Vụ cách chức gây tranh cãi

Theo CNN, vụ từ chức của ông Modly diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Hạm trưởng Brett Crozier (chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt) đã gửi bức thư cảnh báo về sự lây lan virus corona giữa các thủy thủ trên tàu. Ông Crozier được cho là một người có sự nghiệp sạch sẽ, không tì vết. Vào cuối tháng 3 vừa qua, ông này đã viết thư cho cấp trên, phàn nàn về sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 không kiểm soát được trong số 4.800 thủy thủ đoàn trên tàu và đề nghị Lầu Năm Góc hỗ trợ thủy thủ đoàn mắc Covid-19.

“Sự lây lan của căn bệnh đang diễn ra và đang gia tăng. Chúng ta không có chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết”, ông này viết trong thư. Bức thư sau đó đã bị rò rỉ và và được tờ San Francisco Chronicle đăng tải, kéo theo việc ông Modly đã quyết định cách chức chỉ huy của Hạm trưởng Crozier. Ông Modly giải thích quyết định đình chỉ công tác ông Crozier là do vị chỉ huy này đã thể hiện đánh giá kém trong giai đoạn khủng hoảng dù chỉ huy Crozier đã làm điều mà ông cho là cần thiết đối với thủy thủ đoàn.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (Hoa Kỳ)
Tàu sân bay  USS Theodore Roosevelt (Hoa Kỳ)  

Ông Modly yêu cầu các vị chỉ huy chứng tỏ khả năng đánh giá, lãnh đạo và bình tĩnh trước áp lực vì “có thể chúng ta không trong thời chiến theo đúng nghĩa nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn yên bình”, ý nói chỉ huy tàu sân bay đã vi phạm qui trình chỉ huy của Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Modly cho rằng lá thư của ông Crozier đã được chia sẻ quá rộng rãi, đăng trải trên báo chí trước khi ông có thể đọc nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4 cũng cho rằng bức thư là “không phù hợp” và ông Crozier đã làm “một điều khủng khiếp”. Song, việc loại bỏ ông Crozier - một nhân vật được kính trọng trong quân đội và rất được thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt yêu mến cũng vấp phải những ý kiến cho rằng hình phạt này quá nặng tay và là một quyết định quá nhanh, trước khi một cuộc điều tra được thực hiện. Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích việc cách chức ông Crozier là “tương đương với tội phạm”.

“Một người đứng lên nói những gì cần phải nói vì nhận ra thủy thủ của ông đang gặp nguy hiểm. Người đàn ông này lẽ ra phải được ca ngợi chứ không phải bị mất chức”, ông Biden nói. Một nhóm các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ kêu gọi Tổng thanh tra độc lập của Bộ Quốc phòng Mỹ điều tra vụ sa thải này. Hàng trăm thủy thủ trên tàu sân tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng công khai thể hiện sự trung thành của họ đối với Hạm trưởng Crozier khi ông rời khỏi tàu.

“Thuyền trưởng Crozier, Thuyền trưởng Crozier”, các thủy thủ trên boong tàu chiến hô vang và vỗ tay chào tạm biệt ông Crozier trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ngày 4/4. “Đó là cách chúng tôi thể hiện sự trung thành đối với một trong những thuyền trưởng vĩ đại nhất”, một người nói trong đoạn video. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 5/4 đã lên tiếng ủng hộ quyết định cách chức ông Crozier. “Bộ trưởng Modly đã đưa ra một quyết định khó khăn. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo Hải quân của ông Modly và tôi ủng hộ quyết định ông”, ông Esper nói.

Tàu sân bay Theodore Roosevelt đã cập cảng tại căn cứ hải quân ở đảo Guam để các thủy thủ được sơ tán và cách ly phòng Covid-19 trên lãnh thổ của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, con tàu cũng đã được khử trùng. Cho đến nay, tổng cộng đã có 286 người trên tàu sân bay của Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Bản thân Thuyền trưởng Crozier cũng được cho là đã nhiễm bệnh.

Chuyến đi tốn kém 

Việc từ chức của ông Modly diễn ra sau khi ông càng khiến nhiều người phẫn nộ sau khi bay từ Washington đến đảo Guam - nơi tàu chiến của Mỹ đang cập cảng, để bảo vệ hành động của mình trước thủy thủ đoàn trên tàu. Đoạn ghi âm bài phát biểu đó của ông Modly đã bị rò rỉ tới giới truyền thông cho thấy ông này đã có những phát biểu được cho là xúc phạm ông Crozier trước hàng ngàn thủy thủ - những người đã thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với chỉ huy cũ của họ khi ông Crozier rời tàu trước đó.

Cụ thể, ông Modly nói với thủy thủ đoàn những gì cựu thuyền trưởng của họ đã làm là “rất, rất sai”, tới mức trở thành “sự phản bội lòng tin với tôi, với quyền hạn của ông ta”, rằng ông Crozier “quá ngây thơ hoặc quá ngu ngốc” để có thể làm chỉ huy tàu USS Theodore Roosevelt. “Nếu ông ta không nghĩ rằng thông tin sẽ được đưa ra công chúng... thì ông ta đã quá ngây thơ hoặc quá ngu ngốc khi trở thành sỹ quan của một con tàu như thế này. Hoặc là ông ta làm điều đó có mục đích”, ông Modly nói. Ông này cũng lớn tiếng cho rằng tình yêu của các thủy thủ dành cho ông Crozier đã bị đặt nhầm chỗ, mắng mỏ họ vì đã vỗ tay khi thuyền trưởng rời tàu.

Theo các nguồn tin, chuyến bay khẩn cấp kéo dài trong 35 giờ đưa vị quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Modly đến Guam sau khi thư yêu cầu sơ tán tàu USS Theodore Roosevelt vì dịch Covid-19 bị rò rỉ ra truyền thông đã tiêu tốn của người nộp thuế Mỹ hơn 243.000 USD. Một số quan chức Mỹ cho hay ông quyền Bộ trưởng đã bay trên chiếc C37B (phiên bản quân sự của máy bay thương mại phản lực Gulfstream). Trong thư từ chức, ông Modly không đề cập đến vụ lùm xùm phát biểu trên nhưng sau đó đã xin lỗi hải quân Mỹ về sự cố bức thư.

Truyền thông Anh đánh giá rằng quyết định từ chức của ông Modly cho thấy sự khó khăn của quân đội Mỹ trong việc sắp xếp các ưu tiên, mà cụ thể hơn là giữa việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ sức khỏe của các quân nhân trong khi dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trong thông báo trên Twitter cho hay, ông Modly “nộp đơn từ chức theo ý nguyện của bản thân”.

Ông Esper nói thêm rằng ông đã thông báo cho Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho biết Thứ trưởng Lục quân Jim McPherson đã được bổ nhiệm lên thay ông Modly. Còn Tổng thống Trump nói rằng quyết định của ông Modly là hành động quên mình và cho biết thêm rằng ông không liên quan tới vụ này. “Toàn bộ sự việc rất là đáng tiếc”, ông Trump nói. Vụ này cũng tiếp tục làm xáo trộn đội ngũ lãnh đạo của Hải quân Mỹ. Ông Modly là chỉ huy hải quân thứ 2 của Mỹ ra đi chỉ trong vòng hơn 4 tháng trở lại đây.

Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã sa thải Bộ trưởng Hải quân khi đó là ông Richard Spencer sau khi ông này phản đối việc Tổng thống Trump bảo vệ binh sỹ của lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ Edward Gallagher - người đã bị buộc tội phạm các tội ác chiến tranh nhưng sau đó bị kết án về tội nhẹ hơn. Gallagher đã bị giáng chức và tước bỏ tư cách là một thành viên của lực lượng SEAL ưu tú cho đến khi ông Trump can thiệp vào. Động thái của ông Trump khi đó cũng đã dấy lên những chỉ trích rằng ông đang làm suy yếu quyền lực của giới lãnh đạo quân đội.